Trong nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Earth-Science Reviews, nhóm chuyên gia đứng đầu là Martin Sweatman, nhà khoa học ở Đại học Edinburgh tại Scotland, tìm hiểu vụ va chạm và tác động của nó tới xã hội loài người trên Trái Đất. Trong khi những người tinh khôn (Homo sapiens) đầu tiên xuất hiện cách đây 200.000 - 300.000 năm, nhóm nghiên cứu nhận thấy vụ va chạm sao chổi xảy ra trùng với những thay đổi quan trọng về cơ cấu tổ chức của xã hội loài người.
Nhóm nghiên cứu tìm hiểu giả thuyết sao chổi đâm vào Trái Đất 13.000 năm trước, phân tích dữ liệu địa chất từ những khu vực có thể là nơi xảy ra va chạm, gồm Bắc Mỹ và Greenland. Họ tìm thấy lượng bạch kim cao, bằng chứng về nhiệt độ cực hạn làm tan chảy vật chất ở địa điểm khảo sát và kim cương nano có thể được tạo ra từ vụ nổ và tồn tại bên trong sao chổi.
Phân tích của Sweatman và cộng sự dựa trên nghiên cứu trước đây với kết luận một vụ va chạm mạnh có thể xảy ra trước khi bắt đầu thời Đồ đá Mới, ghi nhận hàng loạt bước phát triển to lớn trong nền văn minh nhân loại ở các lĩnh vực nông nghiệp, kiến trúc và công cụ đá. Vào thời gian này trong lịch sử, người dân ở khu vực bao gồm các nước Ai Cập, Iraq và Lebanon ngày nay, chuyển từ lối sống du mục săn bắt - hái lượm sang định cư lâu dài.
Dù kết quả nghiên cứu rất thú vị, các nhà khoa học nhấn mạnh cần thêm bằng chứng để hiểu rõ vụ va chạm ảnh hưởng như thế nào tới khí hậu toàn cầu và các nền văn minh.
An Khang (Theo Live Science)
- Đuôi sao chổi dài hơn một tỷ km lập kỷ lục