Những biến chủng nCoV đang lây lan nhanh chóng, dấy lên lo ngại các vaccine Covid-19 hiện nay không có khả năng bảo vệ đối với chúng. Nghiên cứu mới nhất về protein hình gai của biến chủng nCoV do tiến sĩ Bing Chen ở Bệnh viện nhi Boston và cộng sự tiến hành hé lộ đặc điểm mới của biến chủng Alpha tại Anh và Beta tại Nam Phi.
Protein hình gai trên bề mặt nCoV cho phép virus gắn chặt và xâm nhập vào tế bào. Tất cả vaccine đang lưu hành đều nhắm vào protein này. Nghiên cứu mới công bố hôm 24/6 trên tạp chí Science sử dụng kính hiển vi điện tử lạnh (cryo-EM) để so sánh protein hình gai từ virus gốc với biến chủng Alpha và Beta.
Các phát hiện về mặt cấu trúc hé lộ đột biến ở biến chủng Beta (B.1.351) thay đổi hình dạng bề mặt protein hình gai ở một số điểm. Kết quả là kháng thể tạo bởi những vaccine hiện nay liên kết kém hơn với virus Beta, tạo điều kiện cho chúng lẩn trốn hệ miễn dịch ngay cả ở người đã tiêm chủng.
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cũng phát hiện đột biến ở biến chủng Beta khiến protein hình gai liên kết kém hơn với enzyme chuyển hoá angiotensin 2 (ACE2), có nghĩa biến chủng này lây lan kém hơn biến chủng Alpha. Đối với biến chủng Alpha (B.1.1.7), nghiên cứu xác nhận thay đổi di truyền ở protein hình gai (thay thế một amino axit) giúp virus liên kết chặt hơn với thụ thể ACE2, qua đó lây lan mạnh hơn. Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm chỉ ra kháng thể tạo bởi những vaccine hiện nay vẫn có thể vô hiệu hóa biến chủng này.
Để trở thành mối đe dọa lớn, các nhà nghiên cứu nhận định biến chủng nCoV cần đảm bảo 3 yếu tố là lây lan dễ dàng, lẩn trốn hệ miễn dịch ở người đã tiêm chủng hoặc đã từng nhiễm bệnh, gây bệnh nặng hơn. Tuy nhiên, cả biến chủng Apha và Beta đều không đáp ứng các tiêu chí trên. Nhóm nghiên cứu đang lên kế hoạch phân tích cấu trúc của các biến chủng khác bao gồm biến chủng Delta (B.1.617.2) trong tương lai gần.
An Khang (Theo Phys.org)
- Vaccine hạt nano hiệu quả với nhiều biến chủng nCoV