Thiên nhiên vạn hóa ban cho Trái đất rất nhiều loài sinh vật sống. Một số có thể dễ thương vô cùng, nhưng cũng có không ít những loài khiến cho ta cảm thấy rùng mình.
Một trong những loài sinh vật đáng sợ ấy là Nemertea (hay Ribbon Worms) - sinh vật được mệnh danh là "ngoài hành tinh" vì những đặc tính kỳ dị của chúng như có thể phóng ra chất nhầy, tự nhân bản,...
Cái tên Nemertea ắt hẳn vẫn còn xa lạ đối với nhiều người. Trên thực tế, chúng vẫn còn là một ẩn số mà các nhà nghiên cứu đang tìm hiểu, và chưa có kết luận chính xác về loài sinh vật không xương sống gớm ghiếc này
Sâu Nemertea
Theo các tài liệu khoa học, đây là một loài sinh vật có cấu tạo cơ thể kỳ lạ, cư trú chủ yếu ở các lớp băng vùng Nam Cực.
Bề ngang của sâu Nemertea tuy chỉ rộng khoảng từ 2,5 - 4cm nhưng chiều dài cơ thể của chúng có thể dài tới 30m, thậm chí là tới 60m - tức dài hơn cả một con cá voi xanh.
Sâu Nemertea có rất nhiều hình dáng và màu sắc đa dạng và phong phú, với không chỉ màu cam, mà còn có cả hồng, đỏ, vàng và cả xanh lục.
Hàng năm, có hơn 1.400 loài sâu Nemertea được tìm thấy trên Trái đất. Đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra cách chúng sinh sản và phân bổ ra sao trên hành tinh của chúng ta.
Săn mồi và khả năng nhân bản
Khi đói, sâu Nemertea có thể ăn bất cứ thứ gì mà chúng nhìn thấy. Quy trình để bắt một con mồi của sâu Nemertea cũng rất công phu.
Với cấu trúc cơ thể mềm cho phép nó thu gọn hoặc phóng chiều dài ra gấp 10 lần, Nemertea là loài sinh vật duy nhất có vòi có thể lộn ngược từ trong ra ngoài phía trước đầu.
Với cái vòi sắc nhọn, chúng có thể đâm vào cơ thể con mồi. Sau đó phóng ra những chất nhầy có độc bám vào con mồi và làm chúng bị tê liệt. Lúc này, sâu Nemertea chỉ đơn giản là thư giãn và thưởng thức bữa ăn của mình.
Sâu Nemertea bắn dịch nhớt tới bất cứ nơi đâu mà chúng đi qua như một cách đánh dấu "lãnh thổ" riêng cho mình.
Khi bị cắt hoặc gây tổn thương ở một số vị trí nhất định, sâu Nemertea cũng như giun đốt có khả năng tái sinh và hình thành nên cá thể mới.
Tuy nhiên, sự tái sinh này là hữu hạn. Nếu làm phá vỡ cấu trúc thể xoang thì dù chỉ cắt cá thể ra làm đôi, chúng cũng không có khả năng tái sinh.
Minh Khôi