Có dạng màng siêu mỏng, công nghệ này có thể ứng dụng trực tiếp cho kính mắt thông thường. Tấm màng đóng vai trò như bộ lọc, chỉ cần một tia laser để biến đổi ánh sáng hồng ngoại thành ảnh mà người dùng có thể nhìn thấy. Tiến sĩ Rocio Camacho Morale và cộng sự công bố nghiên cứu trên tạp chí Advanced Photonics.
Thiết kế đột phá của nhóm nghiên cứu dựa trên công nghệ tinh thể nano mà họ phát triển suốt nhiều năm. Những hạt cực nhỏ này mỏng hơn hàng trăm lần so với sợi tóc, hoạt động bằng cách biến đổi photon truyền đến từ ánh sáng hồng ngoại thành photon mang năng lượng cao hơn ở quang phổ khả kiến.
Năm 2016, nhóm nghiên cứu lần đầu tiên đặt thành công một tinh thể nano lên tấm kính. Đây là bước đầu tiên trong việc phát triển hàng loạt tinh thể biến đổi photon, tạo thành tấm màng làm thay đổi cách mắt người nhận thức ánh sáng. Khi tiếp tục công trình, các nhà khoa học đã sản xuất nguyên mẫu của tấm màng. Theo họ, sản phẩm siêu nhẹ, có chi phí rẻ và dễ sản xuất hàng loạt.
"Chúng tôi đã biến thứ vô hình thành hữu hình", Morales chia sẻ. "Công nghệ của chúng tôi có thể biến đổi ánh sáng hồng ngoại, thường vô hình với mắt người, thành hình ảnh con người có thể nhìn thấy rõ ràng, thậm chí từ xa. Chúng tôi tạo ra một tấm màng rất mỏng, chứa những tinh thể nano, cho phép con người nhìn xuyên bóng tối của màn đêm".
Theo Morales, tấm màng không cần nguồn điện, chỉ cần một tia laser nhỏ như bút laser, giúp tinh thể nano kết hợp với ánh sáng hồng ngoại truyền đến. Công nghệ có nhiều ứng dụng trong quân đội, có thể thay thế thiết bị nhìn đêm cồng kềnh và ngốn nhiều điện, hoặc thiết bị tương tự mà cảnh sát hay bảo vệ sử dụng. Nhờ thiết kế nhỏ gọn, công nghệ có thể dùng trong đời sống hàng ngày, giúp lái xe ban đêm hoặc đi bộ về nhà sau khi trời tối trở nên an toàn hơn.
An Khang (Theo New Atlas)
- Kính dịch giọng nói sang ngôn ngữ ký hiệu