Phòng thí nghiệm nghiên cứu dưới lòng đất Bắc Sơn ở tỉnh Cam Túc sẽ được sử dụng để tìm hiểu việc lưu trữ lâu dài chất thải hạt nhân độ phóng xạ cao. Với tầng sâu nhất nằm ở 560 m dưới lòng đất, đây sẽ là phòng thí nghiệm lớn nhất loại này, theo Hiệp hội Năng lượng Hạt nhân Trung Quốc.
Thế giới có khoảng 250.000 tấn chất thải độ phóng xạ cao, tất cả đang được lưu trữ tạm thời. Chưa có quốc gia nào tìm ra giải pháp lưu trữ vĩnh viễn dưới lòng đất do vấp phải sự phản đối từ cộng đồng. Nỗ lực tìm kiếm giải pháp của Trung Quốc diễn ra vào thời điểm quốc gia này lên kế hoạch xây dựng hàng loạt lò phản ứng mới. Xử lý chất thải hạt nhân có độ phóng xạ cao trở nên ngày càng quan trọng hơn khi Trung Quốc ngày càng sử dụng nhiều năng lượng hạt nhân hơn và cố gắng đạt mục tiêu trung hòa carbon.
Trung Quốc đặt mục tiêu mở rộng khoảng 40% công suất hạt nhân vào năm 2025 từ mức cuối năm 2020. Hiện nay, năng lượng hạt nhân chỉ chiếm khoảng 5% tổng lượng điện của Trung Quốc.
Ước tính phòng thí nghiệm có chi chí hơn 400 triệu USD, mất 7 năm để xây dựng và có thể hoạt động 50 năm. Nếu nghiên cứu cho thấy khu vực này phù hợp, một kho chứa chất thải hạt nhân có độ phóng xạ cao sẽ được xây dựng gần đó vào năm 2050, theo Wang Ju, trưởng thiết kế của phòng thí nghiệm.
Chất thải hạt nhân có thể chia thành 3 nhóm theo mức phóng xạ. Nhóm thấp bao gồm vật liệu phóng xạ sử dụng ở nhà máy điện hạt nhân. Nhóm trung bình chứa chất thải có mức phóng xạ cao hơn như bộ phận lò phản ứng đã qua sử dụng. Hai nhóm này chiếm khoảng 99% chất thải hạt nhân.
Trung Quốc có 3 khu vực xả chất thải thuộc nhóm vừa và trung bình, ở Cam Túc, tĩnh Quảng Đông ở phía nam và tỉnh Tứ Xuyên ở phía tây nam. Mục tiêu sắp tới là xây dựng 5 khu vực khác trong tương lai ở các tỉnh ven biển có nhà máy điện hạt nhân như Chiết Giang, Phúc Kiến và Sơn Đông. Chất thải có độ phóng xạ cao là nhiên liệu hạt nhân đã sử dụng và phương pháp xử lý an toàn nhất là chôn vĩnh viễn ở sâu dưới lòng đất.
Kho chứa dưới lòng đất đầu tiên trên thế giới dành cho nhiên liệu đã sử dụng đang được xây dựng ở Phần Lan, dự kiến bắt đầu hoạt động năm 2023. Tổng chi phí ước tính lòa 3,1 tỷ USD, theo Cơ quan an toàn hạt nhân và phóng xạ Phần Lan. Một chuyên gia năng lượng hạt nhân cho biết phòng thí nghiệm của Trung Quốc rất quan trọng bởi hướng tới chu kỳ nhiên liệu khép kín.
"Ý tưởng về chu kỳ nhiên liệu khép kín là tái chế nhiên liệu bằng cách phân hủy chất thải, khiến nó bớt nguy hiểm và lọc ra thành phần giá trị như uranium, plutonium và một số sản phẩm phân hạch có thể hữu ích trong y khoa học công nghiệp", David Fishman, quản lý ở tập đoàn tư vấn năng lượng The Lantau Group, cho biết.
Trung Quốc vận hành một nhà máy tái chế thử nghiệm ở Cam Túc với công suất xử lý hàng năm 200 tấn uranium, theo Cơ quan Năng lượng Hạt nhân Quốc tế. Năm 2018, Trung Quốc và Pháp ký hiệp định xây dựng nhà máy xử lý và tái chế trị giá gần 12 tỷ USD.
An Khang (Theo SCMP)
- Điều gì xảy ra nếu phóng tên lửa đổ rác lên Mặt Trời?