Trong khi nhiều thành phố ở bờ tây nước Mỹ như Phoenix và Salt Lake hứng chịu thời tiết nóng kéo dài trong tuần qua, điều tương tự cũng xảy ra ở vòng cực Bắc. Mức nhiệt 48 độ C được ghi nhận ở thị trấn Verkhojansk thuộc Cộng hòa Yakutia, phía đông Siberia, theo dữ liệu từ hai vệ tinh Copernicus Sentinel-3A và Sentinel-3B. Các mức nhiệt khác trong vùng bao gồm 43 độ C ở Govorovo và 37 độ C ở Saskylah, cao nhất từ năm 1936. Đây là nhiệt độ ở mặt đất, không phải nhiệt độ không khí. Nhiệt độ không khí ở Verkhojansk là 30 độ C.
Nhiệt độ cao ảnh hưởng tới lớp đất đóng băng vĩnh cửu, phần đất đông cứng từ xa xưa chứa nhiều khí nhà kính. Khi tan chảy, lớp đất này giải phóng khí methane vào khí quyển.
Ngoài tác động xấu khi lượng khí nhà kính trong khí quyển tăng lên, hiện tượng tan chảy đất đóng băng vĩnh cửu còn gây bất ổn cho nền đất ở Siberia, làm lung lay nền móng công trình và dẫn tới sạt lở. Hiện tượng cũng góp phần để lộ nhiều xác động vật có vú kỷ Băng Hà bị đông cứng, buộc các nhà cổ sinh vật học phải làm việc nhanh chóng để nghiên cứu những loài từng phát triển khi hành tinh mát hơn.
Khu vực từng trải qua đợt sóng nhiệt dẫn tới nhiệt độ đạt mốc 38 độ C cách đây một năm. Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) đang theo dõi sự gia tăng nhiệt độ trên khắp Trái Đất. Theo tổ chức này, thay đổi mạnh nhất nằm ở Bắc Cực, nơi ấm lên với tốc độ nhanh hơn gấp đôi mức trung bình của thế giới.
An Khang (Theo Gizmodo)
- Nơi có nhiệt độ bề mặt nóng nhất trên Trái Đất