Nhóm nghiên cứu Trung Quốc phát triển da nhân tạo I-skin có thể tăng hiệu quả của các bộ phận giả và robot bằng cách giúp chúng cảm nhận được vết thương giống như con người, New Atlas hôm 21/6 đưa tin. Vật liệu mới sử dụng một loại gel đặc biệt có khả năng đổi màu khi chịu lực tác động để mô phỏng vết bầm tím, cung cấp dấu vết tổn thương có thể thấy bằng mắt thường. Nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí ACS Applied Materials & Interfaces.
Giới chuyên gia cho rằng da nhân tạo gắn thêm thiết bị điện tử và nhiều loại cảm biến sẽ giúp tăng hiệu quả cho robot và bộ phận giả vì chúng giúp mô phỏng các hành vi của con người chân thật hơn. Thế giới đã phát triển được các loại da nhân tạo đổi màu để phản ứng với lực, lấy cảm hứng từ rắn để cảm nhận nhiệt và mô phỏng xúc giác nhờ bơm không khí.
Nhóm tác giả của nghiên cứu mới đi theo con đường hơi khác, đó là sử dụng các vật liệu dẫn ion thay vì chất dẫn điện không phải lúc nào cũng tương thích với cơ thể người. Họ phát triển hợp chất organo-hydrogel ion chứa các phân tử spiropyran. Phân tử này chuyển từ màu vàng nhạt sang tím xanh khi chịu tác động cơ học, gần giống da người.
Từ đó, nhóm nghiên cứu tạo ra I-skin. I-skin được dán vào các bộ phận cơ thể khác nhau của tình nguyện viên như ngón tay, bàn tay, đầu gối rồi tiến hành thí nghiệm.
Qua các thí nghiệm, họ chứng minh được I-skin có thể uốn cong và kéo giãn mà không "bầm tím", dù điều này ảnh hưởng đến tín hiệu điện tử của loại da mới. Tuy nhiên, việc ấn, đánh hay véo một cách thô bạo và lặp lại nhiều lần sẽ khiến nó chuyển màu. Vết tím vẫn còn lưu lại trong khoảng 2-5 giờ trước khi trở về màu sắc gốc.
Thu Thảo (Theo New Atlas)
- Tim nhân tạo nhỏ như hạt vừng
- Da điện tử có thể cảm nhận như da thật