Quỷ Tasmania (Sarcophilus harrisii) đã có một khoảng thời gian khó khăn trong 30 năm qua, khi quần thể loài bị đẩy đến bờ vực tuyệt chủng bởi sự lây lan của một căn bệnh ung thư truyền nhiễm được gọi là u mặt quỷ (DFT). Trong nỗ lực thiết lập một quần thể dự trữ cách biệt về mặt địa lý với DFT, 28 con quỹ Tasmania được đưa đến đảo Maria ở phía đông Tasmania vào năm 2012.
Hòn đảo núi có diện tích 116 km2 này là nơi trú ẩn và sinh sản của 6.000 con chim cánh cụt nhỏ (Eudyptula minor) cách đây một thập kỷ. Đây là loài chim cánh cụt nhỏ nhất thế giới, sống và làm tổ trên mặt đất.
Thật không may, tầm vóc nhỏ bé và khả năng phòng thủ hạn chế đã khiến chúng trở thành con mồi ưa thích của những kẻ ăn thịt có túi mới. Một cuộc khảo sát gần đây do tổ chức bảo tồn BirdLife Tasmania thực hiện tiết lộ thông tin gây sốc rằng toàn bộ quần thể chim cánh cụt nhỏ trên đảo Maria đã hoàn toàn bị xóa sổ.
"Mỗi khi con người cố tình hoặc vô tình đưa một loài động vật có vú đến các hòn đảo ngoài khơi thì luôn có cùng một kết quả, đó là tác động thảm khốc đối với một hoặc nhiều loài chim. Việc mất đi 3.000 cặp chim cánh cụt nhỏ là một đòn giáng mạnh với hòn đảo Maria, nơi toàn bộ diện tích là công viên quốc gia", Tiến sĩ Eric Woehler, nhà khoa học tại BirdLife Tasmania, nói với Guardian.
Những con chim cánh cụt nhỏ ngày nay được tìm thấy trên bờ biển của Australia và New Zealand, hai khu vực đã quá quen thuộc với sự tàn phá của các loài du nhập. Ở New Zealand, một loài thú có túi khác là chồn Opossum cũng được phóng thích vào năm 1837 với hy vọng thiết lập ngành buôn bán lông thú và làm tăng tính đa dạng sinh học của đất nước, nhưng thay vào đó, chúng đã tàn sát nhiều loài bản địa bao gồm cả động vật mang tính biểu tượng như chim kiwi.
Trong trường hợp của quỷ Tasmania, sức tàn phá của chúng còn tồi tệ hơn nhiều. Không chỉ chim cánh cụt nhỏ, một số loài chim bản địa khác cũng đang phải đấu tranh sinh tồn trước sự hiện diện của những kẻ săn mồi mới.
"Chúng tôi nhận được báo cáo về những con ngỗng cố gắng làm tổ trên cây để tránh bị ăn thịt bởi quỷ Tasmania. Rõ ràng là loài thú có túi này đã gây ra tác động thảm khốc đến hệ sinh thái chim trên đảo Maria", Woehler nhấn mạnh.
Đoàn Dương (Theo IFL Science/Guardian)
- Quỷ Tasmania - loài thú có túi ăn thịt lớn nhất thế giới
- Phóng thích quỷ Tasmania trên Australia đại lục