Một bài đăng trên mạng xã hội Weibo liên quan tới nghiên cứu công bố qua trang dữ liệu bioRxiv.org hôm 16/6 thu hút hơn 330 triệu lượt xem tính đến này 19/6. Nhiều người dùng mạng xã hội phản đối nghiên cứu này vì cho rằng đây là thí nghiệm trái với quy luật tự nhiên và tàn ác. Theo họ, nghiên cứu biến cả chuột đực và chuột cái thành lò đẻ.
Giáo sư Ge Wei, trưởng khoa Khoa học y tế ở Đại học Macau, nhận xét việc nhóm nghiên cứu để chuột đực đẻ con non là "hoàn toàn sai trái và lệch lạc". Trong thí nghiệm, hai nhà nghiên cứu ở Đại học Y Hàng hải tại Thượng Hải lần đầu tiên phẫu thuật ghép một con chuột đực bị thiến và một con chuột cái để tạo thành sinh vật hợp dưỡng, hai tổ chức chia sẻ cùng một hệ thống máu.
Tám tuần sau, tử cung từ một con chuột cái khác được ghép vào chuột đực trong cặp. Tiếp đó, nhóm nghiên cứu chuyển phôi thai vào tử cung ghép của cặp chuột và tử cung tự nhiên bên phía chuột cái. Nếu giữ được thai, con non sẽ được lấy ra qua phương pháp mổ sau 21 ngày. Các nhà nghiên cứu cho biết 6 trong tổng số 163 con chuột đực của cặp chuột mang thai, tỷ lệ thành công là 3,68%. Tỷ lệ thành công của toàn bộ thí nghiệm rất thấp, nhưng 10 con non vẫn chào đời từ chuột đực trong cặp bằng phương pháp đẻ mổ và phát triển tới khi trưởng.
Theo nhóm nghiên cứu, chuột non chào đời từ chuột đực phát triển bình thường tới khi trưởng thành. Các cơ quan của chúng không có bất thường rõ rệt nào. Các nhà nghiên cứu nhận thấy phôi thai ở tử cung cấy ghép có thể tồn tại nếu tiếp xúc với máu từ chuột cái mang thai.
"Thí nghiệm của chúng tôi hé lộ khả năng phát triển phôi thai bình thường ở cá thể đực của động vật có vú, có tác động sâu sắc tới nghiên cứu về sinh sản", nhóm tác giả kết luận. "Theo chúng tôi biết, quá trình mang thai ở con đực chưa bao giờ được ghi nhận với động vật có vú".
Mang thai ở con đực chỉ có ở họ cá chìa vôi bao gồm cá ngựa. Tuy nhiên, Ge nhấn mạnh chuột đực trong nghiên cứu không phải con đực thật sự bởi chúng đã bị thiến và ghép với chuột cái. Điều đó đẩy chúng vào môi trường nội tiết tố nữ với những hormone cần thiết để duy trì thai nhi.
"Động vật họ sử dụng trong nghiên cứu thực chất là chuột cái dù thai nằm trong cơ thể con đực. Phôi thai được lấy từ chuột cái, phát triển trong tử cung chuột cái cấy ghép và hỗ trợ bởi hormone nữ thông qua hệ thống tuần hoàn nối liền. Nghiên cứu hầu như không có ý nghĩa với sinh sản", Ge nói. "Tuy nhiên, nó mang đến hy vọng đối với thụ tinh trong ống nghiệm. Phôi thai có thể phát triển trong buồng nhân tạo đóng vai trò như tử cung bên ngoài cơ thể người mẹ miễn là có môi trường nội tiết tố nữ".
An Khang (Theo SCMP)
- Chuột chào đời từ tinh trùng đông lạnh trên trạm ISS