Sinh vật mới - được đặt tên là Paraceratherium linxiaense theo địa điểm phát hiện hóa thạch ở lưu vực Linxia, tỉnh Cam Túc - dài tới 8 m, cao 5 m và nặng trung bình 24 tấn. Nó cao hơn tất cả các loài thú khác sống cùng thời và nặng gấp bốn lần động vật có vú lớn nhất trên cạn hiện nay là voi đồng cỏ châu Phi.
Trưởng nhóm nghiên cứu Deng Tao, Giám đốc Viện Cổ sinh Động vật có xương sống và Cổ nhân loại học (IVPP) thuộc Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc, cho biết loài mới thuộc chi tê giác không sừng đã tuyệt chủng Paraceratherium và là đại diện lớn nhất từng được biết đến trong chi này. Chúng sống trong thế Tiệm Tân muộn cách đây khoảng 26,5 triệu năm trên vùng đất ngày nay là cao nguyên Tây Tạng.
Phân tích cây phát sinh loài cho thấy P. linxiaense đã di cư qua vùng Trung và Nam Á khi cao nguyên Tây Tạng thấp hơn ngày nay. Vào thời điểm đó, Trung Á khô cằn hơn, trong khi Nam Á tương đối ẩm ướt với cảnh quan rừng rộng lớn, nơi những con tê giác khổng lồ có thể tìm thấy nguồn thức ăn dồi dào.
Trong khi hầu hết các loài trong họ Paraceratherium sống ở Trung Á, có một loài sống rất xa về phía nam, ở miền tây Pakistan ngày nay, là P. bugtiense. Vị trí xa xôi của chúng khiến các nhà khoa học bối rối, vì vậy, Tao và các đồng nghiệp đã bắt đầu tìm hiểu xem liệu họ có thể xác định mối quan hệ họ hàng giữa loài này với các loài Paraceratherium khác, bao gồm cả P. linxiaense mới được phát hiện hay không.
Phân tích cho thấy tê giác khổng lồ Mông Cổ (P. asiaticum) đã phân tán về phía tây đến khu vực ngày nay là Kazakhstan, và dòng dõi hậu duệ của nó đã mở rộng sang Nam Á và tiến hóa thành P. bugtiense trong thời kỳ đầu thế Tiệm Tân.
Đến cuối thế Tiệm Tân, các điều kiện nhiệt đới cho phép tê giác di chuyển lên phía bắc, quay trở lại Trung Á. Có vẻ như P. bugtiense ở vùng xa xôi đã vượt qua khu vực Tây Tạng và tiến hóa thành hai loài có họ hàng gần là P. linxiaense và P. lepidum.
Nhóm nghiên cứu phỏng đoán rằng cao nguyên Tây Tạng vào thời kỳ này chỉ cao chưa tới 2.000 m so với mực nước biển, thấp nhiều so với độ cao trung bình hơn 4.500 m như hiện nay. "Độ cao đó đã cho phép những con tê giác khổng lồ phân tán tự do qua khu vực", Tao giải thích.
Chi tiết nghiên cứu đã được xuất bản trên tạp chí Communications Biology hôm 17/6.
Đoàn Dương (Theo LiveScience)
- Rã đông xác tê giác lông mượt chết hơn 20.000 năm trước
- Chó ăn thịt tê giác lông mượt 14.000 năm trước