Khinh khí cầu khởi hành tại Sân bay Khu vực Space Coast gần Trung tâm Vũ trụ Kennedy, bang Florida, lúc 16h23 hôm 18/6 (giờ Hà Nội). Nó đáp xuống Vịnh Mexico sau khoảng 6 giờ 39 phút. Các chuyên gia sau đó đã thu hồi cả khinh khí cầu lẫn bản mô phỏng của tàu Neptune One mà nó mang theo.
"Những thử nghiệm này nhằm đảm bảo tàu vũ trụ với hình dạng mà chúng tôi thiết kế sẽ bay và hạ cánh đúng như kế hoạch, giúp chúng tôi sau này không gặp chuyện gì bất ngờ", Jane Poynter, nhà đồng sáng lập công ty du lịch vũ trụ Space Perspective, chia sẻ. Bà cũng cho biết, công ty dự định thực hiện chuyến bay chở người đầu tiên vào năm 2023 và chuyến bay thương mại đầu tiên năm 2024.
Ngoài Space Perspective, ngày càng có nhiều công ty muốn tham gia vào lĩnh vực du lịch vũ trụ, hầu hết chỉ đưa hành khách đến rìa không gian. Một số đối thủ cạnh tranh gồm Blue Origin, SpaceX và Virgin Galactic. Thử nghiệm hôm 18/6 đạt độ cao 32 km, thấp hơn nhiều so với ngưỡng 100 km của đường Karman - ranh giới rìa không gian theo quy ước thông dụng.
Space Perspective sẽ là lựa chọn ít tốn kém nhất với giá khoảng 125.000 USD mỗi vé, trong khi Blue Origin và SpaceX có giá vé hàng triệu USD, Virgin Galactic cũng ước lượng giá vé cao hơn 250.000 USD. Space Perspective hướng đến một chuyến bay thư thái kéo dài 6 tiếng, trong khi các hãng khác sử dụng động cơ tên lửa.
Thử nghiệm tại Sân bay Khu vực Space Coast cũng giúp đưa một số thiết bị khoa học lên không trung, gồm cảm biến ozone của khoa vật lý thuộc Đại học Bắc Florida và những dụng cụ thí nghiệm do tổ chức phi lợi nhuận Higher Orbits lựa chọn trong số các đề xuất của học sinh trung học.
Thu Thảo (Theo UPI)
- Máy bay lai khinh khí cầu có thể chở 100 hành khách
- NASA dùng khinh khí cầu nghiên cứu vũ trụ