Thông qua mô phỏng thụ thể mà virus liên kết thay vì nhắm vào chính virus, phương pháp mồi giả có thể duy trì hiệu quả với các biến chủng virus mới xuất hiện. nCoV xâm nhập vào tế bào khi protein hình gai liên kết với thụ thể enzyme biến đổi angiotensin (ACE2) trên bề mặt tế bào. LSC, sự kết hợp tự nhiên giữa tế bào gốc biểu mô phổi và tế bào gốc trung mô, cũng biểu thị giống ACE2, biến chúng thành phương tiện hoàn hảo để đánh lừa virus.
"Nếu bạn hình dung protein hình gai như chìa khóa và thụ thể ACE2 của tế bào như ổ khóa, những gì chúng tôi làm với mồi nano là áp đảo virus bằng khóa giả để chúng không thể tìm ra cách xâm nhập tế bào phổi", Ke Cheng, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết. "Khóa giả liên kết và bẫy virus, ngăn chúng lây nhiễm sang tế bào và nhân lên, hệ miễn dịch của cơ thể sẽ đảm nhận phần còn lại".
Cheng là giáo sư Y học tái tạo và giáo sư khoa Kỹ thuật y sinh ở Đại học Bắc Carolina. Cheng và cộng sự biến đổi LSC thành túi nano, những bong bóng màng tế bào cực nhỏ với thụ thể ACE2 và các protein chuyên biệt ở tế bào phổi trên bề mặt.
Nhóm nghiên cứu xác nhận protein hình gai liên kết với thụ thể ACE2 ở mồi nano, sau đó sử dụng nCoV giả trong thí nghiệm trong ống nghiệm ở mô hình chuột. Họ đưa mồi nano vào thông qua phương pháp hít. Ở chuột, mồi nano lưu lại trong phổi 72 giờ sau một liều và đẩy nhanh tiêu diệt virus giả.
Cuối cùng, nhóm nghiên cứu tiến hành thử nghiệm ở mô hình khỉ đuôi dài và phát hiện phương pháp hít mồi nano thúc đẩy tiêu diệt virus, giảm viêm nhiễm và xơ hóa ở phổi. Dù không ghi nhận độc tính trong nghiên cứu ở chuột hay khỉ đuôi dài, họ nhấn mạnh cần kiểm tra kỹ hơn để đưa phương pháp vào thử nghiệm ở người và xác định cơ thể loại bỏ hết mồi nano như thế nào.
"Về cơ bản, những mồi nano này là 'bóng ma' tế bào, và một LSC có thể sản sinh khoảng 11.000 mồi nano", Cheng nói. "Triển khai hàng triệu mồi nano làm tăng diện tích bề mặt khu vực liên kết giả để bẫy virus, và kích thước nhỏ biến chúng thành món ăn vặt vừa miệng của đại thực bào, vì vậy chúng có thể bị loại bỏ".
Các nhà nghiên cứu chỉ ra 3 lợi ích khác của mồi nano LSC. Đầu tiên, chúng có thể được đưa vào phổi thông qua phương pháp không xâm lấn. Thứ hai, do mồi nano không phải tế bào, không có thực thể sống bên trong, chúng có thể được lưu giữ dễ dàng và duy trì ổn định trong thời gian dài hơn. Cuối cùng, LSC đã được sử dụng trong các thử nghiệm lâm sàng khác nên khả năng đưa vào ứng dụng trong tương lai gần càng cao hơn.
An Khang (Theo Phys.org)
- Chỉnh sửa thụ thể giúp tế bào miễn dịch tiêu diệt nCoV