Một nhóm nhà nghiên cứu lên kế hoạch bắt hàng chục con cá voi minke chưa trưởng thành ở ngoài khơi Na Uy và dùng cảm biến đặt trên da của chúng để đo phản ứng của não với âm thanh. Các nhà nghiên cứu tiến hành thí nghiệm cho biết mục đích của họ là tìm hiểu loại tiếng ồn nhân tạo nào ảnh hưởng tới cá voi bởi âm thanh do con người tạo ra có thể tác động tới thính giác và hành vi của chúng, khiến chúng căng thẳng.
"Chúng ta chưa biết gì về thính giác của cá voi. Nhà chức trách cần hiểu rõ loại tiếng ồn nào ảnh hưởng tới chúng", Petter Kvadsheim, nhà khoa học ở Cơ quan nghiên cứu quốc phòng Na Uy (FFI), cho biết. Petter nhấn mạnh nhóm nghiên cứu sẽ không kiểm tra khả năng chịu đựng tiếng ồn của cá voi hay chúng phản ứng ra sao với âm thanh về mặt hành vi. Họ sẽ để cá voi tiếp xúc với âm lượng thấp nhất mà chúng có thể nghe để tìm hiểu ngưỡng nghe, sử dụng các phương pháp điện sinh lý được phát triển riêng cho trẻ sơ sinh.
Tuy nhiên, 50 nhà khoa học và bác sĩ thú y quốc tế làm đơn kiến nghị kêu gọi thủ tướng Na Uy ngừng thử nghiệm bởi việc đánh bắt và độ dài của thí nghiệm có khả năng gây thương tích và căng thẳng, dẫn tới bệnh về cơ cho cá voi. Đó là hội chứng không lây nhiễm ở động vật hoang dã và nuôi nhốt, trong đó cơ bắp tổn thương do dùng sức quá độ, vật lộn, hoặc căng thẳng, có thể gây tử vong. Hơn 64.000 người đã ký tên vào bản kiến nghị.
"Chúng ta hầu như không biết gì về gây mê hoặc làm tê liệt cá voi và cá heo hoang dã, vì vậy hiếm khi làm thử. Dữ liệu sẵn có chỉ ra gây mê cá voi tấm sừng trong tự nhiên có thể đe dọa tính mạng", Tổ chức bảo tồn cá voi và cá heo (WDC) ở Anh, cho biết. "Thông qua quan sát, chúng ta đã biết khá nhiều về tác động của âm thanh nhân tạo với âm lượng cao tới cá voi tấm sừng, vì vậy nghiên cứu trên không chỉ nguy hiểm và trái nguyên tắc mà còn thừa thãi".
Cơ quan an toàn thực phẩm Na Uy, đơn vị thông qua thử nghiệm, cho biết thí nghiệm bao gồm bắt cá voi, nuôi chúng trong lồng trong 3 - 4 ngày và đeo thẻ, gây căng thẳng và khó chịu ở mức độ vừa trong tối đa 6 giờ. "Không có gì chứng minh thí nghiệm này nên được đánh giá là nghiêm trọng", Ole Aamodt, người đứng đầu phòng thú y của Cơ quan an toàn thực phẩm Na Uy, nói. "Chúng tôi đánh giá mục đích của thí nghiệm đúng đắn và giúp giảm bớt gánh nặng đối với loài vật".
Petter chia sẻ, nhóm nghiên cứu đã lên kế hoạch kỹ lưỡng và tiến hành quy trình giảm thiểu hết cỡ rủi ro. Theo dự kiến của họ, những con cá voi sẽ trải qua mức độ căng thẳng nhất định, nhưng họ đã bố trí bác sĩ thú y theo dõi sức khỏe của chúng. Nếu gặp nguy hiểm hoặc căng thẳng, cá voi sẽ được thả ra.
An Khang (Theo CNN)
- Cá voi đâm vào thuyền khiến hai người nhập viện