Là một trong 5 startup tiềm năng vừa thắng cuộc tại Chương trình "Thử thách sáng tạo cùng công nghệ trí tuệ nhân tạo - AI Accelerator Challenge 2021", tMonitor đi tiếp vào vòng đào tạo phát triển gọi vốn, mở rộng thị trường với giải pháp về quản trị chất lượng không khí .
Giải pháp này gồm nền tảng phần cứng và phần mềm tự động thu thập, giám sát và phân tích các chỉ số tại nơi làm việc về nhiệt độ, độ ẩm, hợp chất hữu cơ trong không khí theo tiêu chuẩn Việt Nam.
tMonitor ứng dụng công nghệ Internet kết nối vạn vật (IoT) và Học máy (Machine Learning) để cung cấp các phép đo theo thời gian thực, nhận biết các khí như SO2, CO, O3, CO2 với độ chính xác cao. Phân tích các chỉ số, trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ đánh giá nguy cơ cháy nổ, khí độc bằng các cảm biến. Khi đó hệ thống xử lý khủng hoảng tự động kích hoạt và gửi cảnh báo tới người có trách nhiệm qua email, tin nhắn...
Nam Vũ, sáng lập viên kiêm Giám đốc điều hành của tMonitor cho biết, ý tưởng này hình thành từ năm 2015. Đó là một ngày thứ bảy, tòa nhà văn phòng nơi nhóm nghiên cứu làm việc khi đó bị cháy. Sự cố không lớn và không gây tổn thất nặng nề nhưng dấy lên câu hỏi về ứng phó với khủng hoảng khi không có sự hiện diện của con người ra sao?. Sau đó nhóm nghiên cứu đã xây dựng một giải pháp quan trắc liên tục, cảnh báo sớm nếu có yếu tố vượt ngưỡng an toàn, từ đó giúp cho doanh nghiệp đưa ra những quyết định an toàn và kịp thời cho người lao động.
Hiện tMonitor đã được triển khai tại nhiều địa điểm tại khu công nghiệp, trường học, hộ gia đình, văn phòng, dự án chính phủ, doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Hà Nội, Thanh Hóa, Thừa Thiên -Huế, TP HCM.
Giải pháp được hội đồng giám khảo Chương trình AAC 2021 kỳ vọng sẽ mang tới những giá trị đặc biệt cho cộng đồng. Chương trình do VSV Foundation tổ chức thực hiện dưới sự bảo trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ, sự đồng hành và tài trợ bởi Chương trình Đối tác đổi mới sáng tạo Australia - Việt Nam (Aus4Innovation). Aus4Innovation là chương trình được tài trợ bởi Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT), quản lý bởi Tổ chức Nghiên cứu khoa học và Công nghiệp Australia (CSIRO) với đối tác chiến lược là Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Bảo Chi