Màn đi săn "có một không hai" được Grant Telfer, hướng dẫn viên du lịch tại khu bảo tồn thiên nhiên Maasai Mara (Kenya) ghi lại đã hé lộ những điều chưa biết về loài chim săn mồi có tên "diều ăn rắn".
Trong đoạn video, một con thỏ rừng khi đang kiếm ăn trên mặt cỏ, thì bị phát hiện bởi đôi chim săn mồi đang ở gần đó. Ngay lập tức, chúng lao tới.
Tuy nhiên, điều thú vị là chúng không hề dùng mỏ để mổ, hoặc dùng móng vuốt để quắp con mồi như đại bàng, diều hâu,... Thay vào đó, hai con chim kỳ lạ nện những cú đánh túi bụi bằng cẳng chân vào đầu và xương sống của con mồi.
Mặc dù cách tấn công này trông có vẻ thiếu hiệu quả và khá lạ lùng, tuy nhiên chúng khiến thỏ phản kháng trong vô vọng, cũng như không thể tìm đường bỏ chạy.
Khi thỏ choáng váng mà ngất đi, chim săn mồi mới dùng mỏ để tha con thú tội nghiệp tới vùng đất trống, nơi chúng có thể tự do thưởng thức bữa ăn của mình.
Diều ăn rắn là loài chim săn mồi lớn, phân bố ở châu Phi, thường được tìm thấy trên các đồng cỏ xavan thưa cây cối, bán hoang mạc.
Chim trưởng thành cao khoảng 0,9 - 1,2 m và nặng 2,3 - 4,3 kg, con cái thường nhỏ hơn con đực. Vẻ ngoài của chúng rất đặc biệt với chòm lông vũ dài trên đầu và nửa chân phủ lông đen.
Cũng chính bởi ngoại hình này, mà chúng còn thường được gọi là Chim thư ký (Secretarybird) vì khiến người ta liên tưởng đến những cây bút lông hay giắt trên đầu của những người thư ký ở châu Âu thời Trung đại.
Mặc dù là một giống chim, nhưng diều ăn rắn lại thường sinh sống và săn bắt trên mặt đất. Con mồi của chúng bao gồm côn trùng, thằn lằn, rắn, chim non, trứng chim và đôi khi cả động vật cỡ nhỏ.
Diều ăn rắn có 2 chiến lược đi săn khác biệt. Chúng có thể hoặc là rượt đuổi rồi dùng mỏ để mổ tới chết, hoặc là dẫm lên con mồi cho tới khi nó bất tỉnh, rồi mới ăn thịt.
Trong đó, đôi chân dài như những chiếc sào được chúng sử dụng như một vũ khí hiệu quả bằng cách loại trừ sự chống cự của con mồi, đồng thời giúp chúng đảm bảo an toàn, đặc biệt khi đối đầu với các loài rắn.
Cách săn mồi độc đáo này cũng đã giúp các nhà khoa học phục dựng lại cơ chế kiếm ăn khả dĩ của nhóm chim - lai khủng long (Phorusrhacidae) từ khoảng 5 triệu năm về trước.
Diều ăn rắn được biết đến khi xuất hiện trên quốc huy của nước cộng hòa Sudan và Nam Phi.
Minh Khôi