Hội Địa lý Quốc gia Mỹ (NGS) chính thức công nhận Nam Đại Dương là đại dương thứ 5 của Trái Đất vào ngày 8/6 - Ngày Đại dương Thế giới. Ngày này được Liên Hợp Quốc (UN) đề ra nhằm nâng cao nhận thức về vai trò thiết yếu của đại dương với sự sống trên Trái Đất.
Nam Đại Dương là mái nhà quan trọng của các hệ sinh thái biển và là trung tâm Nam bán cầu. Đại dương này bao quanh Nam Cực, trải rộng từ đường bờ biển của châu lục này đến 60 độ vĩ nam, không gồm eo biển Drake và biển Scotia. Nam Đại Dương tiếp giáp với 3 trong số 4 đại dương khác trên Trái Đất: Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.
Điểm đặc biệt của Nam Đại Dương so với 4 "anh em" khác là thay vì được xác định dựa vào vùng đất bao quanh, nơi này lại xác định nhờ một dòng hải lưu.
Ranh giới 60 độ vĩ nam của Nam Đại Dương gần trùng với ranh giới của Hải lưu Vòng Nam Cực (ACC). ACC, ước tính khoảng 34 triệu năm tuổi, mang đến dòng nước lạnh và ít mặn hơn so với phần phía bắc. ACC giúp hệ sinh thái Nam Đại Dương trở nên khác biệt, cung cấp môi trường sống độc đáo cho hàng nghìn loài sinh vật.
ACC cũng đóng vai trò quan trọng với khí hậu Trái Đất. Trải dài từ bề mặt xuống tới đáy đại dương, hải lưu này vận chuyển nhiều nước hơn bất kỳ dòng hải lưu nào khác. Nó kéo nước từ Đại Tây Dương, Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, giúp lưu chuyển nhiệt quanh hành tinh. Phần nước lạnh và đặc chìm xuống ngoài khơi Nam Cực cũng giúp giữ lại carbon dưới vùng biển sâu.
Tuy nhiên, nước di chuyển qua ACC đang dần ấm lên. NGS hy vọng việc công nhận Nam Đại Dương là đại dương thứ 5 sẽ giúp đẩy mạnh các nỗ lực bảo tồn. Theo Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (WWF), nhiệt độ nước dao động từ -2 độ C đến 10 độ C. Nếu Nam Đại Dương ấm lên 2 độ C, lượng băng che phủ ở các khu vực quan trọng có thể giảm tới 30%.
Đầu năm nay, Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) cũng công nhận Nam Đại Dương. Trong khi đó, Ủy ban Địa danh Mỹ (BGN) đã công nhận đại dương này từ năm 1999.
Năm 2000, khi ranh giới của Nam Đại Dương được đề xuất với Tổ chức Thủy văn Quốc tế (IHO), tổ chức theo dõi và lập bản đồ các biển và đại dương trên thế giới, không phải mọi nước thành viên đều đồng ý. Dù còn một số tranh luận về ranh giới, nhiều thành viên IHO cùng đồng ý rằng vùng nước xung quanh Nam Cực rất khác biệt.
NGS bắt đầu lập bản đồ về các khu vực trên thế giới từ năm 1915. Ngoài công nhận Nam Đại Dương, NGS cũng đang cập nhật các bản đồ của mình. Hiệp hội này cho biết, Nam Đại Dương sẽ được đối xử như 4 đại dương cũ và xuất hiện trong những tài liệu cho trẻ em.
Thu Thảo (Theo CBS News)
- Đáy sâu nhất đại dương quay từ tàu ngầm Trung Quốc
- Những khu ‘rừng ma’ ven biển Đại Tây Dương