"Đây là phát hiện đặc biệt hiếm, không chỉ ở Israel mà trên toàn thế giới", Tiến sĩ Lee Perry Gal từ Cơ quan Quản lý Cổ vật Israel (IAA) nhấn mạnh. "Các mảnh vỡ từ trứng gia cầm cổ đại luôn thu hút các nhà khảo cổ và được tìm thấy khá phổ biến trong các cuộc khai quật, nhưng một vỏ trứng hoàn chỉnh thực sự rất độc đáo".
"Ngay cả ngày nay, trứng hiếm khi tồn tại được lâu trong các hộp siêu thị. Thật đáng kinh ngạc khi phát hiện này đã 1.000 năm tuổi", trưởng nhóm khai quật Alla Nagorsky từ IAA nói thêm.
Quả trứng được bảo quản tốt là do nó nằm trong một bể chứa thải mềm của con người. Theo báo cáo của IAA vào hôm 9/6, mẫu vật chỉ bị nứt nhẹ phần vỏ và rò rỉ một phần bên trong. Tuy nhiên, phần lòng đỏ còn sót lại sẽ cho phép thực hiện các phân tích sâu hơn trong tương lai.
Gà bắt đầu được thuần hóa ở Đông Nam Á khoảng 6.000 năm trước, nhưng phải mất nhiều thời gian để đưa vào chế độ ăn của con người. Ngoài ra, chúng còn được sử dụng cho các mục đích khác như chọi gà hoặc làm sinh vật cảnh trưng bày trong các vườn thú cổ đại. Bằng chứng đầu tiên về việc nuôi gà ở Israel được tìm thấy tại Maresha, một địa điểm "Hy Lạp hóa" có niên đại cách đây 2.300 năm.
Theo Perry Gal, những con gà được tìm thấy trong vùng vào thời điểm đó, cũng như trứng của chúng, có kích thước nhỏ hơn so với gà hiện đại.
Thịt và trứng gà đại diện cho một phần quan trọng trong chế độ ăn uống của người Do Thái và Hồi giáo cổ đại, những người không thể tiêu thụ thịt lợn. "Các gia đình cần một nguồn protein thay thế, thứ phải sẵn có và không cần làm lạnh cũng như bảo quản, và họ đã tìm thấy nó trong trứng và thịt gà", Perry Gal nói thêm.
Quả trứng cổ đại được tìm thấy ở Yavne tiếp tục bị nứt vỡ khi đưa ra khỏi địa điểm khai quật, nhưng nó đã được khôi phục lại trạng thái ban đầu trong phòng thí nghiệm sinh vật của IAA.
Đoàn Dương (Theo AFP)
- Israel khai quật cung điện của Herodes Đại đế
- Khai quật pháo đài cổ 3.000 năm tuổi