Trong hơn 25 năm, trăn Miến Điện sống và sinh sản ở vùng đầm lầy Everglades của Florida, săn động vật hoang dã bản xứ và gây rối loạn hệ sinh thái trong vùng. Trên tạp chí Quang học ứng dụng của Hiệp hội quang học (OSA), nhóm nghiên cứu đứng đầu là tiến sĩ Kyle Renshaw đến từ Trường quang học và lượng tử ánh sáng ở Đại học Trung Florida, báo cáo camera cận hồng ngoại giúp thợ săn phát hiện trăn Miến Điện ở khoảng cách xa hơn 1,3 lần so với camera bước sóng khả kiến thông thường. Do cảm biến hồng ngoại nhỏ và chi phí thấp, họ có thể dễ dàng gắn trên hệ thống cầm tay hoặc trên xe được thiết kế để tìm kiếm trăn.
"Tiêu diệt trăn Miến Điện là việc rất quan trọng nhằm ngăn chặn thiệt hại lớn hơn đối với hệ sinh thái Florida và ngăn chặn chúng lan sang khu vực khác", Hewitt, trưởng nhóm nghiên cứu, nhấn mạnh.
Trăn Miến Điện có thể dài tới 6 m và nặng 90 kg. Chúng xuất hiện ở Mỹ như những thú cưng nhập ngoại vào thập niên 1980 và phát triển mạnh ở vùng Everglades sau khi một cơ sở nhân giống bị bão Andrew tàn phá năm 1992. Màu ngụy trang tự nhiên trên cơ thể giúp chúng hòa lẫn vào cỏ cây và tán lá, khiến chúng rất khó phát hiện bằng mắt thường hoặc camera ánh sáng khả kiến thông thường. Trong nghiên cứu trước đây, các tác giả đo quang phổ phản xạ của trăn Miến Điện ở bước sóng khả kiến và hồng ngoại. Họ nhận thấy những con trăn dễ nhìn thấy hơn trên nền bước sóng hồng ngoại dài hơn 750 nm.
"Dựa trên phát hiện trước đó, chúng tôi đặt giả thuyết sử dụng bước sóng cận hồng ngoại để chụp ảnh có thể khiến trăn Miến Điện dễ thấy hơn vì chúng dường như sẫm màu so với tán cây màu sáng", Hewitt giải thích. "Dù chúng tôi chưa đo được quang phổ phản xạ từ các loài rắn khác, trăn dễ phân biệt bởi chúng lớn hơn bất kỳ loài rắn bản xứ nào".
Để kiểm tra giả thuyết, các nhà nghiên cứu chụp ảnh trăn Miến Điện trên nền cỏ, sử dụng camera khả kiến và hồng ngoại với trường quan sát và độ phân giải tương tự nhau. Sau đó, họ yêu cầu tình nguyện viên kiểm tra những ảnh chụp này và chỉ ra có trăn ở đó hay không. Dựa trên phản hồi từ tình nguyện viên, nhóm nghiên cứu tính toán lợi thế khi sử dụng ảnh chụp cận hồng ngoại so với ánh sáng khả kiến.
Dù các nghiên cứu khác cũng khám phá việc sử dụng cảm biến nhiệt hồng ngoại để tìm trăn Miến Điện, điều kiện cần là con trăn phải phơi nắng vào ban ngày. Tương phản giữa nhiệt độ cơ thể trăn với môi trường cũng giảm đi theo thời gian. Theo Hewitt, ảnh chụp cận hồng ngoại có thể dùng cả vào ban ngày và ban đêm, ngay cả khi con trăn không phơi nắng. Nhóm nghiên cứu đã hợp tác với Ủy ban bảo tồn cá và động vật hoang dã Florida (FWC) để thực hiện dự án nhằm mở rộng ứng dụng.
An Khang (Theo Phys.org)
- Florida đề xuất kêu gọi người dân ăn thịt trăn Miến Điện