Một nhóm nhà nghiên cứu gần đây tính toán mỗi người nhiễm bệnh mang khoảng 10 - 100 tỷ hạt nCoV ở thời kỳ đỉnh điểm. Như vậy, tất cả virus nCoV đang lây nhiễm cho con người trên khắp thế giới (1 - 10 triệu ca nhiễm ở bất kỳ thời điểm nào trong đại dịch) sẽ có tổng khối lượng 0,1 - 10 kg).
"Xem xét từ bối cảnh lớn hơn trong lịch sử, một quả bom nguyên tử chứa chưa tới 100 kg vật liệu phân hạch được", Ron Milo, giáo sư khoa Thực vật và khoa học môi trường ở Viện khoa học Weizmann Institute of Science tại Israel, và đồng tác giả nghiên cứu Ron Sender, nghiên cứu sinh tiến sĩ ở phòng thí nghiệm của Milo, cho biết. "Nhưng hãy xem sự phá hủy mà nó mang tới. Tương tự, chúng ta đang nói về khối lượng virus cực nhỏ, và chúng đang hoàn toàn gây rối loạn trên thế giới".
Hiện nay, nCoV đã lây nhiễm sang hơn 173 triệu người và giết chết hơn 3,7 triệu người, theo Đại học Johns Hopkins. Để tính toán mỗi người nhiễm bệnh có thể mang bao nhiêu virus, nhóm nghiên cứu sử dụng kết quả đo trước đây lấy từ khỉ vàng về lượng virus ở thời kỳ đỉnh điểm tại nhiều mô khác nhau dễ tổn thương trước virus, bao gồm phổi, hạch hạnh nhân, hạch bạch huyết và hệ thống tiêu hóa. Sau đó họ nhân số lượng hạt virus trong mỗi gram mô ở khỉ vàng với khối lượng mô người, để ước tính số hạt virus trong mô người.
Từ tính toán trước đây dựa trên đường kính của virus, nhóm nghiên cứu cho biết mỗi hạt virus có khối lượng 1 femtogram (bằng 0,000000000000001 gram). Sử dụng khối lượng mỗi hạt và số lượng hạt ước tính, họ tính toán ở thời kỳ đỉnh điểm, mỗi người mang khoảng 1 - 10 microgram hạt virus (1 microgam bằng 0,000001 gram).
Việc tính toán những con số trên giúp nhóm nghiên cứu hiểu rõ hơn những gì xảy ra trong cơ thể người khi lây nhiễm, như số lượng tế bào nhiễm virus, số hạt virus được tạo ra trong cơ thể so với tốc độ tiến hóa của virus, theo Milo và Sender.
Sau đó, các nhà nghiên cứu tính toán virus sẽ trải qua trung bình bao nhiêu đột biến trong suốt thời kỳ nhiễm bệnh của một người và cả toàn thể dân số. Để làm điều này, họ sử dụng ước tính trước đó từ một loại virus corona tương tự, lấy mức độ đột biến thường xuyên của nucleotide nhân với số lượng nucleotide ở hệ gene của nCoV, sau đó kết hợp với số lần virus tạo ra bản sao của chính nó bên trong cơ thể trong quá trình lây nhiễm.
Nhóm nghiên cứu nhận thấy ở một vật chủ, virus sẽ tích lũy khoảng 0,1 - 1 đột biến trên toàn bộ hệ gene của nó và khoảng 3 đột biến mỗi tháng, phù hợp với tốc độ tiến hóa đã biết của nCoV. Nhưng họ cũng nhận thấy sai số lớn ở số lượng hạt virus trên người nhiễm bệnh. Trong thực tế, một số người nhiễm bệnh có thể mang số hạt virus nhiều gấp hàng triệu lần so với người khác.
Milo và Sender hy vọng nghiên cứu này sẽ thúc đẩy nhiều ý tưởng và thí nghiệm mới. Họ công bố phát hiện hôm 3/6 trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences (PNAS).
An Khang (Theo Live Science)