Sau Mặt Trăng, Sao Kim là thiên thể tự nhiên sáng thứ hai trên bầu trời đêm. Tuy nhiên, hành tinh này được bao phủ bởi những đám mây phản chiếu mà mắt thường và kính thiên văn quang học không thể xuyên qua.
Với bề mặt Sao Kim bị che khuất tầm nhìn, nhiều người đã từng suy đoán về địa hình bí ẩn bên dưới những đám mây đó.
Nhưng sau đó khoa học đã can thiệp. Trong thời kì Chiến tranh Lạnh, có nhiều ý kiến cho rằng Sao Kim có thể sinh sống. Năm 1956, các quan sát bằng kính viễn vọng vô tuyến cho thấy hành tinh này có nhiệt độ bề mặt vượt quá 326 độ C.
Bây giờ chúng ta biết nhiệt độ bề mặt trung bình trên Sao Kim 462 độ C. Trên thực tế, đó là hành tinh nóng nhất trong hệ mặt trời của chúng ta, mặc dù sao Thủy ở gần mặt trời hơn.
Trên bề mặt của Sao Kim, áp suất khí quyển cực kỳ lớn và chì sẽ tan chảy thành một vũng nước nếu có mặt ở bề mặt hành tinh này. Địa điểm này nghe có vẻ kỳ lạ, nhưng nó thực sự có rất nhiều điểm chung với Trái Đất.
Hành tinh đi ngược trong Hệ Mặt trời
Hai hành tinh có kích thước khá giống nhau. Diện tích bề mặt của Trái Đất là 510 triệu km2, còn Sao Kim là khoảng 460 triệu km2.
Mặc dù vậy, Sao Kim vẫn khác Trái Đất ở một số khía cạnh chính. Trái Đất hiển thị một phần giữa phình ra, xung quanh đường xích đạo của nó rộng hơn so với từ cực này sang cực kia. Ngược lại, Sao Kim là một khối cầu gần như hoàn hảo.
Ngoài ra, Sao Kim có tốc độ quay cực chậm. Phải mất tương đương 243 ngày Trái Đất để Sao Kim hoàn thành một vòng quay đầy đủ quanh trục của nó và chỉ 225 ngày Trái Đất để hoàn thành một vòng mới quanh mặt trời. Vì vậy, nói cách khác, một ngày trên Sao Kim kéo dài hơn một năm ở Trái Đất.
Hơn nữa, trong khi hầu hết các hành tinh trong hệ mặt trời này đều quay từ tây sang đông thì Sao Thiên Vương và Sao Kim đi ngược lại. Trên hai hành tinh đó, mặt trời mọc ở phía tây và lặn ở phía đông.
Đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa thể tìm ra cách lý giải cho hiện tượng đó.
CO2 chiếm phần lớn khí quyển sao Kim
Vào tháng 12 năm 1962, Sao Kim trở thành hành tinh đầu tiên được một tàu vũ trụ nhân tạo lên thăm dò.
Từ các nghiên cứu trên tàu Mariner 2 gửi về, các nhà khoa học xác nhận rằng sao Kim không có từ trường giống như Trái Đất và nhiệt độ bề mặt từ 149 đến 204 độ C.
Vào thời điểm đó các nhà khoa học cũng đã biết rằng hàm lượng khí carbon chiếm phần lớn trong bầu khí quyển Sao Kim.
Khí carbon chiếm tới 96% bầu khí quyển của Sao Kim. Về mặt lý thuyết, hành tinh này từng có khí hậu ôn hòa hơn và có thể duy trì ổn định trong hàng tỷ năm. Các đại dương có thể đã bao phủ bề mặt của nó trong thời gian dài.
Cung cấp hiểu biết về hiệu ứng nhà kính
Vì hành tinh của chúng ta gặp phải vấn đề lớn về khí nhà kính, Sao Kim có thể cung cấp cho chúng ta một số hiểu biết quan trọng về biến đổi khí hậu. Nhưng việc gửi các tàu thăm dò để khám phá nó luôn mang đến những thách thức lớn.
Trên Sao Kim, lực hấp dẫn bề mặt gần giống với Trái Đất nhưng áp suất khí quyển lại lớn hơn 92 lần so với áp suất ở hành tinh chúng ta.
Đối mặt với nhiệt độ khắc nghiệt và áp suất cao, không có gì lạ khi các vật thể nhân tạo không tồn tại lâu trong môi trường hành tinh. Điển hình, vào năm 1982 tàu thăm dò Venera 13 của Liên Xô chỉ hạ cánh trên Sao Kim trong vòng 127 phút trước khi bị phá hủy.
Ngoài ra, Sao Kim có hơn 16.000 ngọn núi lửa nhưng chúng ta không biết liệu có ngọn núi nào trong số này vẫn đang hoạt động hay không. Các cao nguyên, hẻm núi sâu và hố va chạm thiên thạch cũng đã được phát hiện ở đó.
Tuy nhiên, Sao Kim thiếu các mảng kiến tạo như chúng ta biết trên Trái Đất. Và một số nhà địa chất cho rằng sự hình thành của magma đôi khi tái chế các phần của lớp vỏ.
Tuy Sao Kim là một hành tinh khắc nghiệt nhưng điều đó không làm giảm sức hấp dẫn của nó. Với mỗi khám phá mới, chúng ta sẽ có thể biết thêm nhiều điều bổ ích và đầy thú vị.
Phước Hải
(theo Howstuffworks)