Mới đây, Huawei đã chính thức tung ra phiên bản chính thức của hệ điều hành HarmonyOS dành cho smartphone. HarmonyOS là hệ điều hành do Huawei tự phát triển, có thể hoạt động trên nhiều thiết bị khác nhau từ smartphone, tablet, TV, smartwatch, các thiết bị IoT hay thậm chí là cả ô tô.
Đây được coi là đòn "đáp trả" của tập đoàn Trung Quốc sau khi bị Chính phủ Mỹ áp đặt lệnh cấm, khiến cho Huawei gặp nhiều khó khăn trong việc hợp tác với Google để tích hợp hệ điều hành Android và các dịch vụ Google lên sản phẩm của mình.
Để thuyết phục người dùng chuyển sang hệ điều hành mới, Huawei đã nêu ra một vài điểm yếu của hai hệ điều hành di động phổ biến khác hiện nay là iOS và Android mà HarmonyOS không mắc phải.
Theo ông Wang Chenglu, người đứng đầu mảng phần mềm của Huawei, HarmonyOS cho hiệu năng tốt hơn iOS và Android. "Hiệu năng vẫn luôn là yếu tố được chúng tôi quan tâm. Thông qua việc tối ưu hoá toàn bộ các thành phần, HarmonyOS cho hiệu năng vượt trội so với EMUI trên nền Android", ông này nói.
Cụ thể, vấn đề liên quan tới bộ nhớ trong của thiết bị. Theo Huawei, khoảng 20% người dùng sử dụng hết dung lượng bộ nhớ trong sau khoảng thời gian 36 tháng và khiến cho tốc độ của bộ nhớ trong trở nên chậm chạp. Khi người dùng mở một ứng dụng, game hay chỉnh sửa một tệp tin, mỗi quá trình này tạo ra một lượng lớn dữ liệu. Lượng dữ liệu này được ghi và đọc từ bộ nhớ trong, và khi tốc độ đọc/ghi chậm, trải nghiệm người dùng cũng vì thế bị ảnh hưởng.
Thế nhưng, HarmonyOS đã có một số cải tiến để đảm bảo rằng kể cả khi bộ nhớ trong bị đầy, điện thoại vẫn hoạt động nhanh và mượt mà trong quá trình đọc/ghi dữ liệu. Theo thông số mà Huawei công bố, nếu như tốc độ đọc tuần tự của iOS bị suy giảm tới 75%, thì HarmonyOS chỉ là 4.5%.
Ngoài ra, trên iOS, Huawei còn nhận ra vấn đề ở khả năng đa nhiệm. Khi người dùng đang ở một ứng dụng nào đó, chuyển qua một ứng dụng khác rồi quay trở lại ứng dụng ban đầu, nó sẽ phải load lại từ đầu và khiến người dùng bị "mất dấu". Điều này đặc biệt phiền phức với một số ứng dụng như mua sắm, khi người dùng sẽ phải tìm lại sản phẩm đó. Huawei cho rằng đây không phải là một trải nghiệm tối ưu cho người dùng. Trên HarmonyOS, Huawei hứa tình trạng này sẽ không xảy ra do mọi ứng dụng sẽ ở trạng thái chạy nền.
Huawei còn phát triển một engine xử lý đồ hoạ riêng cho HarmonyOS mang tên "DGraphicEngine". Engine đồ hoạ này sẽ giúp các tác vụ như chơi game hay xem video trở nên mượt mà hơn, trong khi tiết kiệm pin hơn. Huawei đã trực tiếp so sánh thời lượng pin khi chơi game của chiếc Mate 40 Pro chạy HarmonyOS và iPhone 12 Pro Max chạy iOS, và kết quả là Mate 40 Pro có thể "trụ" được trong 5.1 tiếng, còn iPhone 12 Pro Max chỉ là 3.9 tiếng.
Mặc dù HarmonyOS được Huawei cho rằng có nhiều ưu điểm so với Android, nhưng trong suốt giai đoạn thử nghiệm vừa qua, HarmonyOS đã bị nhiều lập trình viên phát hiện ra rằng nó thực chất vẫn dựa trên nền tảng của Android. HarmonyOS thừa hưởng cấu trúc hệ thống tương tự Android, hay thậm chí còn có thể chạy được ứng dụng Android. Bộ phát triển ứng dụng (SDK) của HarmonyOS cũng sử dụng rất nhiều thành phần từ Android. Mặc dù vậy, Huawei chưa một lần dám thừa nhận điều này.
Kể từ nay cho đến hết nửa đầu năm sau, Huawei sẽ cập nhật gần 100 thiết bị của mình lên hệ điều hành HarmonyOS mới.
Lấy link