Nguyên nhân chính do tình trạng thiếu hụt chip trên toàn cầu, ảnh hưởng đến dây chuyền sản xuất thiết bị của các hãng smartphone.
"Với một số mẫu điện thoại như ROG Phone 5, hệ thống chỉ nhập được 800 đơn vị máy. Chúng tôi muốn nhập nhiều hơn để kinh doanh cũng không thể do nguồn cung chip không đủ để sản xuất máy. Trong khi đó, chiếc Xiaomi Mi 11 Lite 5G về hàng trễ hơn so với dự kiến khiến cho nhiều khách hàng phải chờ", ông Nguyễn Lạc Huy, đại diện truyền thông hệ thống CellphoneS chia sẻ.
Trong khi đó, ông Lê Xuân Tình, đại diện hệ thống XT Mobile cho biết mẫu Xiaomi Redmi Note 10 bản 4G đã hết sạch hàng chỉ sau 2 tháng kinh doanh. Một trường hợp khác là chiếc Oppo Reno5 cũng thiếu hàng trên toàn hệ thống.
"Chưa bao giờ tình trạng khan hàng lại diễn ra nghiêm trọng như năm nay. Một số mẫu smartphone không về đầy đủ các phiên bản màu sắc, trong khi một số khác lại không có đủ nguồn cung", ông Tình nói thêm.
Tại các hệ thống lớn như TGDĐ hay FPT Shop, tình trạng khan hàng cũng xảy ra với một số dòng sản phẩm như Samsung Galaxy A52 và Galaxy A72. Thậm chí, các dòng thiết bị mới của Apple như iMac M1 hay iPad Pro M1 cũng đã có thông tin khan hàng dù chưa chính thức mở bán tại thị trường Việt Nam.
Chưa dừng lại ở đó, giá bán của một số mẫu laptop như MacBook Air M1 cũng vừa được một số đại lý điều chỉnh tăng giá khoảng 500.000 đồng so với trước.
Sự thiếu hụt chip trên toàn cầu không chỉ tác động đến ngành công nghiệp di động mà còn ảnh hưởng xấu đến hàng loạt lĩnh vực khác như máy tính, máy chơi game, thiết bị Internet of Thing và cả thị trường xe hơi.
Theo Patrick Armstrong, Giám đốc công nghệ thông tin của Plurimi Investment Managers, tình trạng thiếu chip trên toàn cầu sẽ kéo dài trong 18 tháng (đến tháng 11/2022). Trong khi đó, Glenn O'Donnell, Phó giám đốc nghiên cứu tại Forrester nhận định rằng tình trạng này có thể kéo dài đến năm 2023.
"Nhu cầu tiếp tục tăng trong khi nguồn cung không có nhiều cải thiện trong thời gian tới", ông O'Donnell nói.
(Theo Dân Trí)