LG mới đây đã chính thức xác nhận sẽ rút khỏi thị trường di động trên toàn thế giới, đồng nghĩa với việc sẽ không nghiên cứu, cũng như sản xuất thêm bất kỳ mẫu smartphone nào nữa. “Quyết định này sẽ cho phép công ty tập trung nguồn lực vào các lĩnh vực tăng trưởng khác như linh kiện xe điện, nhà thông minh, robot, trí tuệ nhân tạo, các giải pháp doanh nghiệp, cũng như các nền tảng và dịch vụ khác”, thông cáo của LG viết.
Thông cáo chính thức của LG về việc rút khỏi mảng di động
Có nhiều lý do khiến cho LG thất bại ở thị trường di động. Smartphone cao cấp của LG không có nhiều tính năng hấp dẫn, thường thua kém các đối thủ về cấu hình và công nghệ mới, từ đó thiếu đi sự hấp dẫn trong mắt người dùng. LG cũng bỏ mặc phân khúc giá rẻ và tầm trung và để cho các hãng smartphone Trung Quốc lấn lướt. Người dùng cũng hiếm khi thấy được các chiến dịch quảng bá rầm rộ của ông lớn Hàn Quốc, khiến cho độ phủ của smartphone LG là tương đối khiêm tốn.
Thế nhưng, chúng tôi muốn nói tới một vấn đề khác của smartphone LG, đó là chất lượng và độ bền. Bởi lẽ, một lý do quan trọng khác khiến cho người dùng quay lưng với smartphone LG chính là bởi hàng loạt những bê bối liên quan tới chất lượng phần cứng mà hãng này đã gặp phải trong suốt những năm qua.
LG Optimus LTE/G/G2 - Loạn/liệt cảm ứng
LG Optimus LTE, LG Optimus G và LG G2 là ba sản phẩm hết sức tiêu biểu trong những năm 2012-2013, cũng là thời điểm "hoàng kim" của trào lưu điện thoại Hàn Quốc tại Việt Nam. Ở thời điểm mà người dùng chưa có cơ hội được tiếp cận với những thương hiệu điện thoại Trung Quốc giá rẻ như Xiaomi, Realme hay OnePlus; thì những chiếc điện thoại xách tay từ Hàn Quốc như LG, Samsung hay SKY được cho là sự lựa chọn hàng đầu đối với những người muốn có một chiếc điện thoại "ngon-bổ-rẻ".
Trào lưu điện thoại Hàn Quốc tại Việt Nam với các sản phẩm đến từ Samsung, LG và SKY (ảnh: OClab.itenjoy.SunUP)
LG Optimus LTE, LG Optimus G và LG G2 đều được trang bị những công nghệ hàng đầu ở thời điểm đó: mạng 4G, màn hình IPS, chip Qualcomm, trong khi mức giá lại rẻ hơn đáng kể so với những model điện thoại chính hãng cùng cấp. Tuy nhiên, đằng sau những thông số hấp dẫn đó, cả ba model này đều tồn tại chung một vấn đề liên quan đến màn hình cảm ứng.
Không ít người dùng đã ghi nhận tình trạng loạn, hay thậm chí liệt hẳn cảm ứng sau một thời gian sử dụng. Một số người cho rằng lỗi này bắt nguồn từ việc sử dụng sạc, cáp không chính hãng của LG; vốn là một thứ thường thiếu vắng ở những chiếc điện thoại LG xách tay thời đó. Tuy nhiên, khi mà những chiếc điện thoại thương hiệu khác có thể sử dụng thoải mái các loại sạc khác nhau mà không hề bị lỗi cảm ứng, vấn đề này có lẽ nghiêng về phía LG nhiều hơn.
Một chiếc LG Optimus LTE (LU6200) bị loạn cảm ứng (video: Cuong Nguyen)
Tiếc rằng, cách duy nhất để khắc phục tình trạng loạn cảm ứng là... thay màn hình. Với việc là những chiếc điện thoại xách tay với chế độ hậu mãi không đảm bảo, không có sự hỗ trợ từ hãng; vậy nên không khó để thấy không ít người dùng LG xách tay gặp cảnh "khốn đốn" khi chiếc máy của họ gặp sự cố.
LG Optimus G Pro - Bụi, mốc màn hình
Optimus G Pro là "phablet" màn hình lớn của LG, được khai sinh năm 2013 nhằm cạnh tranh với Galaxy Note 2 của Samsung. Dù không gặp phải nhiều lỗi phần cứng nghiêm trọng, nhưng Optimus G Pro lại tồn tại một nhược điểm về mặt thẩm mỹ, khi bụi và mốc sẽ xuất hiện trong màn hình sau một thời gian sử dụng.
Nguyên nhân của tình trạng này là do lớp kính cảm ứng và màn hình LCD của Optimus G Pro được tách thành hai lớp riêng lẻ, không được gộp thành một như điện thoại ngày nay. Cộng với lớp vỏ nhựa không thật sự chắc chắn để lại nhiều khe hở, qua thời gian sử dụng, bụi sẽ có thể lọt vào màn hình, thậm chí có thể gây mốc trong điều kiện độ ẩm cao tại Việt Nam.
LG Optimus G Pro bị mốc màn (ảnh: Thành Trung Mobile)
Bụi và mốc không ảnh hưởng đến khả năng sử dụng thiết bị của người dùng, tuy nhiên trong đa số trường hợp, nó sẽ để lại những vết bẩn trên màn hình mà người dùng sẽ bắt buộc phải tháo máy ra nếu muốn lau sạch.
LG G3 - Nứt vỏ
LG G3 là sản phẩm kế nhiệm của chiếc G2. Mặc dù có tỷ lệ bị loạn cảm ứng thấp hơn đáng kể, nhưng LG G3 lại mang tới một vấn đề mới liên quan tới ngoại hình, cụ thể là liên quan tới lớp vỏ nhựa.
Người dùng cho biết chỉ sau một thời gian ngắn sử dụng, chiếc G3 của họ bị nứt ở cạnh viền, đặc biệt là xung quanh vị trí của micro. Cần phải nói rằng, tình trạng này xảy ra ngay cả khi người dùng sử dụng máy giữ gìn, không để rơi hay va chạm vào các đồ vật khác.
LG G3 bị nứt vỏ ở gần mic (ảnh: Android Police)
Sau một thời gian nghiên cứu, người dùng đã phát hiện ra rằng nguyên nhân của vấn đề xuất phát từ việc LG thiết kế cổng sạc Micro USB ở kế bên quá khít. Sau một vài lần cắm sạc, áp lực ở cổng sạc sẽ khiến phần nhựa xung quanh bị gãy.
LG G4/V10/Nexus 5X - Đột tử
Đột tử có lẽ là lỗi nổi tiếng trên các dòng điện thoại LG. Bê bối này của LG có "độ phủ" lớn nhất, mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, và cũng là thứ đã khiến cho người dùng quay lưng nhiều nhất. Lỗi này không chỉ ảnh hưởng tới ba dòng flagship chủ lực của LG trong năm 2015 là G4 và V10; mà còn ảnh hưởng tới cả chiếc Nexus 5X của Google, vốn là một thiết bị do LG sản xuất.
Triệu chứng của "đột tử" là máy bị treo ở màn hình khởi động với logo LG và không thể truy cập vào màn hình chính. Đây là hệ quả của việc chip nhớ (NAND) không còn tiếp xúc tốt với bo mạch, khiến cho nó không thể đọc dữ liệu và bị treo ở quá trình nạp hệ điều hành.
Một chiếc LG G4 bị "đột tử" và treo ở màn hình khởi động (ảnh: iSmart)
Nhiều giả thuyết cho rằng con chip Snapdragon 808 trên những chiếc máy này hoạt động quá nóng, từ đó làm ảnh hưởng đến các linh kiện xung quanh bao gồm chip nhớ. Không thể phủ nhận rằng Snapdragon 808 hay 810 là sự thất bại thảm hại của Qualcomm; tuy nhiên tương tự như lỗi loạn cảm ứng, rõ ràng LG cũng có một phần lỗi lầm trong đó, khi rất nhiều sản phẩm khác với chip Snapdragon 808/810 như HTC One M9 hay OnePlus 2 đều không gặp phải tình trạng này.
Thực tế, lỗi đột tử trên loạt smartphone LG đã khiến cho hãng này bị kiện tại Mỹ hồi năm 2017. Đến năm 2018, LG đã bị toà án yêu cầu bồi thường cho mỗi người dùng 425 USD, hoặc giảm 700 USD vào giá bán cho điện thoại LG tiếp theo, trong trường hợp người dùng vẫn muốn sử dụng điện thoại của thương hiệu này. Thế nhưng sau vụ việc này, lòng tin của người dùng vào LG đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng, và có lẽ sẽ chẳng mấy ai muốn mua một chiếc điện thoại từ hãng này nữa.
LG G5/V20 - Bóng mờ/Lưu ảnh
Sau một năm 2015 đầy sóng gió với G4 và V10, tưởng chừng như LG sẽ có một năm 2016 êm ả hơn, thế nhưng không. Hai sản phẩm G5 và V20 tiếp tục gặp phải vấn đề về phần cứng, lần này không liên quan tới bo mạch chủ nữa mà lại là màn hình.
Cụ thể, người dùng G5 và V20 phàn nàn về tình trạng màn hình xuất hiện bóng mờ sau một thời gian sử dụng. "Bóng mờ" là những nội dung từng hiển thị trên màn hình trong một khoảng thời gian lâu dài (biểu tượng thông báo, bàn phím, nút điều hướng)... và bị in hằn lên màn hình. Người dùng cho biết bóng mờ thường xảy ra khi máy nóng lên, ví dụ như khi sử dụng liên tục trong một thời gian dài, sử dụng các ứng dụng nặng (ví dụ như chơi game) hay dưới điều kiện nhiệt độ cao.
LG G5 bị bóng mờ (ảnh: xtiandrey).
Khi nói đến "bóng mờ", người ta thường nghĩ ngay tới tình trạng burn-in của màn hình AMOLED. Thế nhưng, G5 và V20 lại sử dụng công nghệ LCD, vốn không bị ảnh hưởng bởi burn-in. Thực tế, nếu như burn-in là hư tổn vĩnh viễn và sẽ không thể khắc phục, thì tình trạng bóng mờ trên G5/V20 lại biến mất sau một khoảng thời gian ngắn, khi máy đã "nguội" dần.
Dù không gây ảnh hưởng vĩnh viễn, nhưng với việc trên thị trường tràn ngập các mẫu máy khác nhau với màn hình LCD nhưng không một máy nào gặp tình trạng "bóng mờ" như G5/V20, rõ ràng đây lại là một vấn đề đến từ LG chứ không phải ai khác.
LG V30 - Màn hình OLED kém chất lượng
LG V30 là smartphone đầu tiên của hãng này với màn hình OLED do LG Display tự phát triển. Với một sản phẩm "thế hệ đầu" như vậy, cộng thêm năng lực kiểm soát chất lượng tương đối cẩu thả của LG dựa trên những bê bối trong quá khứ, không khó để thấy V30 lập tức gặp phải vấn đề.
Màn hình OLED của LG V30 có chất lượng không tốt (ảnh: Reddit)
Màn hình OLED của LG V30 không được đánh giá cao về chất lượng, đặc biệt khi so sánh với màn hình OLED của đối thủ Samsung. Nhiều người dùng cho biết màn hình của V30 khá "sạn", gặp tình trạng loang lổ đặc biệt khi hiển thị màu xám, thậm chí là cả burn-in. Một sản phẩm khác được LG sản xuất là Pixel 2 XL cũng gặp phải vấn đề tương tự.
Pixel 2 XL bị burn in (ảnh: Michael Kukielka)
Tổng kết
Có thể thấy, trong suốt khoảng thời gian từ năm 2013-2017, các sản phẩm của LG liên tục gặp vấn đề nghiêm trọng liên quan đến phần cứng. Tệ hại hơn, tất cả những vấn đề này đều xoay quanh những sản phẩm cao cấp thuộc dòng G và V của LG, vốn tiêu tốn của người dùng một số tiền không nhỏ. LG còn khiến cho Google bị liên luỵ tới hai lần với hai model là Nexus 5X và Pixel 2 XL.
Sau những bê bối này, không khó để thấy lý do người dùng smartphone LG thường “một đi không trở lại”.
Lấy link