Sau khi đã xóa nhầm dữ liệu, trước hết bạn cần phải hít thở thật sâu và bình tĩnh ghi nhớ quy tắc bất hoạt. Tức là ngay lập tức sau khi xóa nhầm hãy tắt máy và dừng ngay mọi hoạt động trên ổ cứng đã bị xóa dữ liệu đó. Mục đích là hạn chế đến mức tối thiểu thao tác thừa khiến dữ liệu mới bị ghi đè lên dữ liệu cũ (đã bị xóa nhầm) trên ổ cứng cũ đó.
Tiếp theo, hãy sử dụng một ổ cứng mới khác là ổ cứng chính để tiến hành cài đặt phần mềm cứu dữ liệu. Và khi tiến hành quét dữ liệu, hãy xuất dữ liệu có thể cứu được ra ổ cứng mới. Sử dụng từ có thể ở đây là bởi không phải mọi dữ liệu được quét và cứu thành công (đủ file, đúng dung lượng) có thể mở ra sử dụng bình thường. Bởi vậy, việc cứu và ghi đè ngược lên ổ cứng cũ có thể khiến việc bị mất dữ liệu diễn ra nhanh hơn và khó cứu hơn, kể cả có đem ra thợ cứu dữ liệu chuyên nghiệp.
Tiếp theo là cứu dữ liệu khi xóa nhầm bằng thao tác xóa trong hệ điều hành và cứu dữ liệu khi format nhầm phân vùng. Với thao tác xóa nhầm, người dùng có thể thử các phần mềm cứu dữ liệu như Disk Drill, Stellar, DiskGetor, EaseUS... có chung một chức năng là data recovery, tức phục hồi dữ liệu.
Còn với thao tác format nhầm, mọi chuyện khá đơn giản bởi người dùng chỉ cần sử dụng phần mềm khôi phục phân vùng (recovery partition) như MiniTool Partition Wizard.
|
Nhiều phần mềm có khả năng khôi phục dữ liệu khá tốt, nhưng để đảm bảo hiệu quả người dùng cần khôi phục sang một ổ cứng mới |
Trường hợp sử dụng ổ HDD, việc cứu dữ liệu là khá đơn giản và có thể được thực hiện bởi người dùng phổ thông. Trong khi đó, ổ SSD với đặc tính là lưu trữ trên chip nhớ và có thể kích hoạt lệnh TRIM (xóa ngay lập tức), do đó việc cứu dữ liệu từ SSD cũng là khó khăn hơn rất nhiều. Rất khó để nói chính xác bạn có thể cứu được bao nhiêu % dữ liệu đã bị xóa, nhưng nếu không có kinh nghiệm, hãy đem ổ SSD ra thợ ứng cứu chuyên nghiệp.
Ngoài ra, một vấn đề không liên quan nữa là cứu dữ liệu khi ổ cứng bị hỏng. Trong trường hợp này, người dùng vẫn có thể sử dụng các phần mềm khôi phục nói trên như bình thường. Tuy nhiên, tùy mức độ nặng nhẹ mà việc cứu dữ liệu sẽ khó khăn hơn, cũng như cứu dữ liệu ổ SSD bị hỏng là khó hơn ổ HDD do đặc tính khác nhau của hai loại.
Vì vậy, để tránh dữ liệu không bị mất mát do lỗi chủ quan lẫn yếu tố khách quan, người dùng chỉ nên sử dụng ổ SSD để cài hệ điều hành và cài game online giải trí. Những tài liệu quan trọng nên được đặt ở ổ HDD và backup trên đám mây.
Phương Nguyễn