Theo nhà sản xuất Samsung, các mẫu điện thoại Galaxy S21, S21 Plus và S21 Ultra đều được tích hợp các mẫu kính Gorilla Glass mạnh nhất để bảo vệ màn hình. Và mặc dù ba chiếc điện thoại này có thể trông giống nhau, nhưng mặt sau của chúng đều được làm từ các chất liệu riêng biệt. S21 Plus và Ultra có kính ở hai bên, trong khi mặt sau của S21 được làm bằng nhựa. Và sự khác biệt này có thể ảnh hưởng đến độ bền của điện thoại.
Cnet đã thử nghiệm thả rơi đồng thời cả Galaxy S21 Ultra trị giá 1.200 USD và Galaxy S21 trị giá 800 USD. Dưới đây là kết quả thử nghiệm
Thử nghiệm 1: Thả từ độ cao 0,9 mét (ngang túi quần), cạnh màn hình hướng xuống
Việc rơi từ túi hoặc độ cao ngang hông là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây nứt vỡ màn hình, đặc biệt nếu điện thoại của người dùng tiếp đất trên bề mặt gồ ghề như vỉa hè.
Samsung Galaxy S21 bị nứt màn hình sau cú rơi đầu tiên từ độ cao ngang hông.
Với Galaxy S21, góc trên bên trái của điện thoại đối diện với camera chạm đất, tiếp đó là va chạm ở góc dưới cùng, sau đó là toàn bộ cạnh phải của điện thoại. Điều này làm cho nó bật lên khỏi mặt đất một chút và tiếp đất bằng cách úp màn hình xuống sàn.
Góc dưới bên trái của tấm kính đã vỡ ra với một vài vết nứt lớn hơn xuất phát từ điểm va chạm, bao gồm một vết nứt lớn hình vòm chạy qua giữa màn hình.
Với Galaxy S21 Ultra, tác động ban đầu của cú rơi dường như được phân bổ tương đối đồng đều khi điện thoại rơi xuống sàn, với cạnh trên của màn hình đập xuống vỉa hè sớm hơn một chút so với phần còn lại. Sau đó, nó nảy trở lại không trung, lộn vòng và hạ cánh ngang màn hình.
Cạnh trên của khung kim loại trên S21 Ultra trông nham nhở khi lớp sơn bị cạo bay, nhưng màn hình trông vẫn ổn. Tuy nhiên khi nhìn kỹ, đã có một vết nứt nhỏ ở góc trên bên trái của điện thoại. Nó đủ nhỏ để có thể không làm phiền người dùng nếu họ tiếp tục sử dụng điện thoại, nhưng dù sao thì màn hình cũng đã bị hỏng và đây không phải là tình huống lý tưởng chỉ sau một lần đánh rơi.
Thử nghiệm 2: Thả từ độ cao 0,9 mét (ngang túi quần), mặt sau hướng xuống
Đây là thử nghiệm để kiểm tra độ bền của mặt lưng, khi thả điện thoại từ cùng độ cao ngang hông với màn hình hướng lên trên. Thử nghiệm này nhằm xác định độ bền dựa trên chất liệu mặt lưng, cũng như việc cú rơi sẽ gây ra thiệt hại gì với cụm camera.
Mặt sau của Samsung Galaxy S21 có một vài vết xước nhỏ sau thử nghiệm thả rơi thứ 2 từ độ cao ngang hông.
Kết quả cho thấy Galaxy S21 rơi với nửa trên của điện thoại chạm đất trước, sau đó đến cạnh dưới khiến nó nhảy lên không trung và hoàn thành một vài lần lật trước khi hạ cánh trên vỉa hè với mặt sau hướng lên trên.
Nhưng ngoài một vài vết xước nhỏ ở phía dưới, hầu như không có bất kỳ thiệt hại nào trên nắp lưng bằng nhựa. Cụm camera vẫn giữ hình dạng tốt, không có bất kỳ hư hỏng nào đối với mô-đun hoặc bất kỳ ống kính nào. Không giống như các mẫu Galaxy trước đây khi toàn bộ phần camera được bao phủ bằng kính, mô-đun máy ảnh trên S21 chủ yếu là kim loại và chỉ có ống kính là bằng kính.
Nhưng với Galaxy S21 Ultra, kết quả tệ hơn. Điện thoại chạm sàn gần như ở mặt phẳng, nảy lên một chút và lật nghiêng khiến nó tiếp đất với mặt lưng hướng lên trên.
Mặt lưng kính trên S21 Ultra không còn nguyên vẹn. Nó có nhiều vết nứt xuất phát từ góc dưới bên trái và chạy dọc toàn bộ mặt sau của điện thoại và một vài mảnh kính rời rơi ra ở góc nơi nó va vào vỉa hè. Mặt khác, mô-đun máy ảnh sống sót trong tình trạng tương đối bình thường, ngoại trừ một vài vết hằn nhỏ trên vỏ kim loại.
Thử nghiệm 3: Thả từ độ cao 1,8 mét
Cả hai điện thoại đều đã bị nứt sau hai thử nghiệm thả rơi, nhưng các chuyên gia công nghệ của Cnet quyết định thả chúng lần cuối cùng ở vị trí có ít hư hỏng nhất.
Mặt sau của Galaxy S21 ít bị hư hại nhất sau ba lần rơi chỉ với một vài vết xước trên cụm camera với vỏ kim loại.
Trọng lượng của mô-đun máy ảnh ở góc phải đóng một vai trò quan trọng trong việc rơi của thiết bị, bởi vì đây chính là yếu tố khiến thiết bị thường nảy lên một lần nữa. Khi cụm máy ảnh chạm đất trước, điện thoại sau đó bật lên ở phía đối diện và thực hiện một vài thao tác lật trong không khí trước khi đặt úp màn hình xuống sàn.
Đúng như dự đoán, mặt sau của điện thoại Galaxy S21 vẫn ở dạng tốt, nhưng có một số vết xước rõ rệt hơn về phía dưới. Góc trên bên trái của mô-đun camera bằng kim loại bị vỡ do rơi và cũng có những vết xước đáng chú ý. Nhưng các ống kính vẫn còn nguyên vẹn.
Mặt trước của Galaxy S21 Ultra vỡ vụn sau cú rơi từ độ cao 1,8 mét.
Tình trạng Galaxy S21 Ultra tệ hơn rất nhiều. Điện thoại tiếp đất gần như ở mặt phẳng, bật lên một chút và sau đó đập xuống sàn một lần nữa ở mặt trước.
Vết nứt nhỏ ở góc trên cùng đã biến thành toàn bộ các vết nứt bao phủ gần như toàn bộ mặt trước của điện thoại. Một số vết nứt đủ sâu để xuyên qua màn hình và làm đen một phần của tấm nền OLED. Màn hình vẫn phản hồi khi chạm vào, nhưng có những mảnh kính nhỏ rơi ra khỏi màn hình, vì vậy người dùng chắc chắn sẽ không muốn tiếp tục sử dụng nó, ngay cả khi đã có miếng bảo vệ màn hình ở trên. Các vết nứt ở mặt sau cũng tiếp tục mở rộng ra, mặc dù chúng không tồi tệ như những vết nứt ở mặt trước.
Một đơn vị khác là Allstate Protection Plans cũng đã tiến hành thử nghiệm thả rơi tương tự trên cả ba mẫu Galaxy S21, và nhận được kết quả không khác gì. Thậm chí màn hình các model đều bị vỡ sau lần thả đầu tiên ở độ cao 0,9 mét. Mặt sau của S21 Plus và S21 Ultra cũng bị vỡ sau lần thả rơi thứ hai từ cùng độ cao ngang hông, với mặt sau úp xuống.
Mặc dù các thử nghiệm nói trên không mang tính khoa học và kết quả đối với mỗi người có thể hoàn toàn khác nếu làm rơi điện thoại, nhưng Galaxy S21 và Galaxy S21 Ultra đã cho thấy các dấu hiệu xấu. S21 có lợi thế hơn S21 Ultra vì mặt sau có thể sẽ không bị vỡ ngay cả khi bị làm rơi nhiều lần. Nhưng rõ ràng người dùng vẫn sẽ cần đặt mua một chiếc ốp lưng để che chắn màn hình và nên cân nhắc đầu tư một miếng dán bảo vệ màn hình chắc chắn. Nên biết rằng chi phí sửa chữa màn hình của S21 bắt đầu từ 200 USD. Tin vui duy nhất là các mô-đun camera trên cả hai điện thoại, vốn có phí sửa chữa đắt hơn, dường như chắc chắn hơn so với các phiên bản Galaxy trước đó nhờ vỏ kim loại mới.
Tham khảo Cnet
Lấy link