Trong bối cảnh nhu cầu học tập, làm việc từ xa tăng lên, nhu cầu máy tính xách tay tại Việt Nam trong năm 2020 tăng mạnh, trở thành điểm sáng của bán lẻ công nghệ.
|
Một máy tính của Apple ra mắt hồi cuối năm 2020. (Ảnh: Hải Đăng) |
Báo cáo kết quả kinh doanh của Digiworld cho biết, trong Quý 4, doanh thu mảng máy tính xách tay và máy tính bảng đạt 1.199 tỷ đồng, tăng 66% so với cùng kỳ. Doanh thu cả năm của mảng này đạt 4.350 tỷ đồng, tăng trưởng 46% so với năm trước.
Trong khi đó, mảng laptop của Thế Giới Di Động ghi nhận doanh thu 3.300 tỷ đồng trong 11 tháng năm 2020, tăng hơn 40% so với cùng kỳ.
Đây là các con số tăng trưởng trong mơ, khi doanh thu điện thoại sụt giảm so với cùng kỳ tại nhiều hệ thống bán lẻ lớn, ngành kinh tế nói chung bị ảnh hưởng.
Trong các mặt hàng giá trị cao, máy tính xách tay tăng trưởng tốt nhất ở các nhà bán lẻ. Hồi đầu năm, vào giai đoạn bùng phát dịch bệnh, cả Thế Giới Di Động và FPT Shop cho biết, nhu cầu mua laptop và các mặt hàng liên quan làm việc từ xa tăng lên, mảng laptop tăng trung bình gần 100% theo tháng vào lúc đỉnh điểm.
Nhìn thấy nhu cầu gia tăng, FPT Shop hôm nay 22/1 khai trương 30 trung tâm laptop trên khắp cả nước. Các trung tâm này trưng bày chủ đạo mặt hàng máy tính xách tay, kèm với các phụ kiện liên quan.
Trước đó, Thế Giới Di Động cũng đã mở hàng loạt cửa hàng lớn chuyên laptop, bán nhiều mẫu mã hơn cửa hàng thông thường. Xét về các cửa hàng có bán laptop, Thế Giới Di Động hiện có hơn 500 cửa hàng, dự kiến đạt 1.500 cửa hàng vào cuối năm 2021.
Trả lời TinCongNghe, các nhà bán lẻ như Thế Giới Di Động, FPT Shop, CellphoneS đều khẳng định laptop sẽ là một trọng tâm của họ trong năm 2021.
Việc một số nhà sản xuất tạo ra các xu hướng mới trong ngành cũng góp phần kích thích nhu cầu mua sắm laptop. Chẳng hạn các máy tính xách tay chạy 5G, máy tính Macbook sử dụng bộ vi xử lý M1 (thay vì chip Intel như thông thường).
Phía CellphoneS khẳng định sự ra mắt của máy tính Macbook sử dụng chip M1 do Apple thiết kế đã tạo ra nhu cầu tăng cao, sẽ tạo ra động lực thay đổi lớn trong thị trường máy tính cá nhân năm nay và trong các năm tới. Việc này sẽ thúc đẩy sự thay đổi mạnh mẽ của thị trường laptop khi các hãng phải đổi mới để cạnh tranh.
Trong khi đó, Digiworld khẳng định sự tăng trưởng mạnh của ngành máy tính xách tay có sự đóng góp của Apple.
Nhu cầu máy tính xách tay và các sản phẩm phục vụ nhu cầu làm việc từ xa không chỉ có tại Việt Nam mà trở thành xu hướng toàn cầu. Nhu cầu lớn từ Trung Quốc sau hồi phục dịch bệnh, nhu cầu từ các nước châu Âu, Bắc Mỹ do vẫn đang trong lệnh phong toả khiến thị trường nóng lên, nguy cơ giá linh phụ kiện tăng cao và khan hàng (tất nhiên còn có nguyên nhân như cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung khiến chuỗi cung ứng thay đổi).
Chẳng hạn, công ty nghiên cứu thị trường TrendForce dự kiến giá chip điều khiển ổ cứng thể rắn (SSD) sẽ tăng tới 20%. Điều này do các nhà sản xuất bộ điều khiển không thể đáp ứng nhu cầu tăng lên của thị trường SSD. Sự thiếu hụt năng lực sản xuất của các công ty bán dẫn như TSMC và UMC cũng được cho là nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng này.
Giá chip điều khiển tăng dẫn đến giá các bộ nhớ nhúng như bộ điều khiển đa phương tiện nhúng (eMMC) và bộ nhớ flash đa năng (UFS) cũng tăng theo. Giá của eMMC dự kiến tăng 5% trong quý đầu tiên của năm 2021.
Giá cố định của bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên động (DRAM) cũng sẽ tăng. Giá DRAM giao ngay là 3,46 USD trong tháng 12, tăng 30% so với tháng 11. TrendForce dự kiến giá DRAM tăng khoảng 5% trong quý đầu tiên của năm 2021 so với quý IV của năm 2020.
Hải Đăng