Theo báo cáo gần đây, tổ chức bảo vệ người tiêu dùng ở bốn nước châu Âu đã kệ đơn kiện đòi bồi thường khoảng 180 triệu USD, với lý do cáo buộc Apple đã lừa dối người dùng tải xuống các bản cập nhật phần mềm nhằm mục đích làm chậm iPhone.
Vụ kiện này giống hệt một vụ kiện tập thể trước đó ở Mỹ, dẫn đến việc hai bên đạt được một thỏa thuận dàn xếp trị giá lên tới 500 triệu USD. Vào thời điểm đó, có nhiều cáo buộc rằng Apple đã thực hiện một số thủ thuật về cập nhật phần mềm để khiến người dùng mua các mẫu máy đã cập nhật. Vào tháng 3 năm nay, Apple đã đồng ý chi trả số tiền phạt nhưng không thừa nhận có bất kỳ hành vi sai trái nào mà chỉ hy vọng tránh được một vụ kiện kéo dài.
Els Bruggeman, giám đốc chính sách và điều hành của Euroconsumers, cho biết: "Apple đã giới thiệu một bản cập nhật phần mềm để che đậy các vấn đề về pin và họ biết rằng nó sẽ làm chậm điện thoại". Đây là tổ chức bảo vệ người tiêu dùng đứng sau vụ kiện mới này, trước đó họ đã 2 lần gửi thư cho Apple vào hồi tháng 6 và tháng 7 nhưng không nhận được phản hồi. Brugman nói rằng người tiêu dùng châu Âu "chỉ muốn được tôn trọng như người tiêu dùng Mỹ".
Các chi nhánh của Tổ chức Người tiêu dùng Châu Âu đã đệ đơn kiện tập thể tại Bỉ và Tây Ban Nha vào thứ Tư, đồng thời các vụ kiện khác sẽ được nộp ở Ý và Bồ Đào Nha trong những tuần tới. Đại diện của nguyên đơn trong vụ kiện tại Bỉ, đối tác của Arcas Law, Bart Volders cho rằng, vụ kiện tập thể kiểu Mỹ không tồn tại ở toàn bộ lục địa châu Âu, nhưng một vụ kiện đơn lẻ có thể gây ra hiệu ứng bong bóng trên toàn châu Âu.
“Kinh nghiệm cho thấy một khi một quốc gia châu Âu chủ động, các quốc gia khác sẽ làm theo”, Bart Volders nói. Những cáo buộc này bao gồm hơn 3 triệu iPhone 6, iPhone 7 và iPhone SE được bán ra tại bốn quốc gia châu Âu từ năm 2014 đến năm 2020.
Vào ngày 6/8, trong một bức thư gửi người tiêu dùng châu Âu do công ty luật Gibson Dunn & Crutcher gửi, Apple tuyên bố rằng họ "sẽ không bao giờ thúc đẩy việc nâng cấp của khách hàng bằng cách giảm trải nghiệm người dùng. Apple gọi những cáo buộc này là “sai sự thật, cả về mặt thực tế và pháp lý”. Ngoài ra, trong một tuyên bố gửi đến giới truyền thông, Apple cho biết thêm: “Mục tiêu của chúng tôi luôn là tạo ra những sản phẩm mà người tiêu dùng yêu thích, và việc làm cho iPhone càng bền càng tốt là một phần quan trọng trong đó”.
Sau cuộc phản đối công khai đầu tiên của một tổ chức nhân quyền vào năm 2017, Apple đã giảm giá cho việc thay thế pin và đưa ra lời xin lỗi. Apple thừa nhận rằng tốc độ vi xử lý đã chậm lại và cho biết họ đang cố gắng điều chỉnh sức mạnh của các điện thoại cũ hơn để ngăn chặn tình trạng tắt máy do vô tình.
Vào tháng 2 năm nay, cơ quan quản lý người tiêu dùng Pháp đã phạt Apple 25 triệu euro vì gây hiểu lầm cho người tiêu dùng. Vào cuối năm 2018, cơ quan quản lý cạnh tranh Ý xác định rằng, việc nâng cấp phần mềm của Apple sẽ gây ra "những lỗi nghiêm trọng và làm giảm hiệu suất đáng kể", và đã đưa ra mức phạt 10 triệu euro (mức phạt tối đa) đối với Apple. Samsung cũng bị phạt 5 triệu euro vì hành vi vi phạm tương tự.
Tổ chức Người tiêu dùng châu Âu cáo buộc rằng, Apple đã thực hiện các hành vi kinh doanh không công bằng và gây hiểu lầm, họ yêu cầu Apple phải trả từ 29 euro đến 89 euro cho mỗi điện thoại di động, hoặc trung bình là 60 euro cho mỗi điện thoại. Mức bồi thường cụ thể được tính dựa trên chi phí thay thế pin do Apple xác định.
Trong khi đó, phương án dàn xếp do phía Mỹ đề xuất là yêu cầu Apple bồi thường 25 USD cho mỗi chiếc điện thoại di động. Kế hoạch này có thể được thẩm phán phê duyệt tại phiên điều trần cuối cùng dự kiến diễn ra vào thứ Sáu tại San Jose, California.
Phong Vũ