Trong các hãng sản xuất điện thoại di động, BlackBerry luôn được đánh giá cao về độ bảo mật cũng như sự độc đáo trong cách bố trí bàn phím qwerty và con lăn trackball. Tổng thống thứ 44 của Hoa Kỳ là ông Barack Obama đã sử dụng chiếc điện thoại của Blackberry trong những năm ông còn đương chức nhờ vào những ưu điểm nêu trên.
Tuy nhiên, chính sự thành công trong quá khứ đã dẫn đến việc chậm chạp và bảo thủ trong thay đổi của hãng với những công nghệ mới, đẩy họ dần vào vòng xoáy lãng quên.
Sự hình thành và những nét độc đáo của Blackberry
Blackberry là công ty sản xuất điện thoại được thành lập vào năm 1984 bởi hai sinh viên kỹ thuật người Canada, Mike Lazaridis và Douglas Fregin với tên gọi thuở sơ khai là Research in Motion. Lúc đầu, công ty chủ yếu tham gia vào các dự án ngẫu nhiên: hệ thống đèn LED cho GM, mạng cục bộ cho IBM và thậm chí là hệ thống biên tập phim từng đoạt giải Oscar năm 1998.
Năm 1989, công ty điện thoại Rogers của Canada đã ký hợp đồng với RIM để phát triển hệ thống mạng Mobitex của hãng. Việc phát triển hệ thống được thiết kế đặc biệt này giúp RIM trở thành chuyên gia đầu tiên trong lĩnh vực nhắn tin di động. 7 năm sau, RIM sản xuất ra chiếc máy nhắn tin hai chiều đầu tiên. Những năm tiếp theo, công ty dần dần bổ sung các tính năng như màn hình màu, WiFi, nhắn tin nhanh và duyệt web vào các thiết bị của mình, đem lại sự tiện dụng cho người dùng.
Năm 1999, thiết bị nhắn tin hai chiều đầu tiên có tên gọi gắn liền với Blackberry là 850 được hãng giới thiệu lần đầu ra công chúng và gây được tiếng vang lớn. Cái tên Blackberry được đặt bởi một hãng marketing nổi tiếng thời bấy giờ là Lexicon Branding theo cấu trúc bàn phím độc đáo của loại máy nhắn tin này.
Máy nhắn tin Blackberry 850 (Ảnh: Blackberry)
Trên cơ sở đó, RIM đã phát triển các dòng điện thoại với bàn phím qwerty của mình, trong đó tập trung phát triển nhất ở kiểu dáng và tính năng nhắn tin. Điện thoại BlackBerry có thiết kế đơn giản, dễ tiếp cận với những người dùng là dân kinh doanh - phân khúc khách hàng mà hãng trực tiếp nhắm tới. Họ có thể trả lời email, tin nhắn, duyệt web… những thứ mà tưởng chừng như là độc quyền của máy tính cá nhân thời bấy giờ.
Phần mềm Blackberry Messenger của hãng được đặc biệt yêu thích với giao diện người dùng thân thiện và khả năng truyền tải thông tin tới đối phương nhanh chóng, khi công ty sớm nhận ra nhu cầu trao đổi và kết nối tức thì với mọi người. Không chỉ có ứng dụng nhắn tin mà ứng dụng email của Blackberry cũng được đặc biệt yêu thích. Thông qua Blackberry Connect, người dùng có thể cài đặt phần mềm email của hãng ở nhiều loại điện thoại khác và có thể trải nghiệm một cách tương đối đầy đủ các tính năng mà ứng dụng mang lại.
Ứng dụng Blackberry Messenger (Ảnh: Pinterest)
Với những thiết kế độc đáo cùng những ứng dụng nhắn tin và email vô cùng tiện lợi, RIM dần dần chiếm được thị phần trên thị trường điện thoại toàn cầu. Đến năm 2007, công ty đã đạt được hơn 3 tỷ USD doanh thu với thu nhập ròng là 631 triệu USD; thị phần của hãng đạt 9,6% trên toàn cầu, chỉ đứng sau những người khổng lồ như Motorola hay Nokia.
Vào thời điểm đó, RIM đã ký kết được nhiều hợp đồng cung cấp các loại điện thoại có độ bảo mật cao cho chính phủ Hoa Kỳ cùng các giao dịch kinh doanh lớn khác; điều này giúp cho danh tiếng của hãng đối với người dùng ngày một tăng cao. Năm 2009, số lượng máy Blackberry bán ra chiếm hơn 20% số máy điện thoại bán ra trên toàn thế giới. Tổng thống Obama trong thời kỳ đương chức cũng sở hữu riêng một chiếc điện thoại Blackberry, với nhiều tính năng bảo mật chất lượng cao phù hợp cho người đứng đầu Hoa Kỳ.
Chiếc điện thoại Blackberry cực kỳ bảo mật của ông Obama (Ảnh: Times of Indian)
Sự bảo thủ và sụp đổ
Tuy nhiên sự ra đời của Iphone đã thay đổi tất cả. Giai đoạn đầu khi chiếc điện thoại của Apple mới ra mắt, RIM không coi nó là đối thủ cạnh tranh. Công ty cho rằng phân khúc điện thoại của Apple hoàn toàn khác với mình và tất nhiên, hãng cũng đánh giá khá thấp sản phẩm của Apple. Những người đứng đầu của RIM cho rằng điện thoại cảm ứng toàn màn hình sẽ chỉ tồn tại được một thời gian ngắn; họ tỏ ra quá tự tin với những sản phẩm sử dụng phím bấm vật lý của mình.
Vì vậy, RIM tiếp tục kinh doanh các loại điện thoại sử dụng bàn phím qwerty như trước đây. Những năm tiếp theo, RIM phát hành điện thoại nắp gập BlackBerry và BlackBerry Storm, thiết bị màn hình cảm ứng đầu tiên của hãng. Storm đã bị các nhà phê bình đánh giá rất thấp, họ cho rằng đây là "một sự thất vọng rõ ràng vì hiệu suất kém cỏi và hoạt động chậm chạp." Nhưng điện thoại BlackBerry vẫn tiếp tục bán được vì một số lý do. Iphone – mặc dù tiện lợi và có hiệu năng sử dụng tốt hơn nhiều so với điện thoại của Blackberry – lại có giá bán đắt hơn khá nhiều và được nhà mạng AT&T phân phối độc quyền cho đến năm 2011, buộc khách hàng ở Mỹ phải lựa chọn: chuyển nhà cung cấp mạng di động mới hoặc chọn điện thoại mới. Do đó, một số lượng lớn khách hàng đã chọn ở lại với những chiếc điện thoại với phím bấm vật lý Blackberry.
Vì vậy, trong một thời gian dài sau khi Iphone ra mắt, chủ sở hữu thương hiệu điện thoại BlackBerry vẫn sống tốt với những sản phẩm đã lỗi thời của mình. Nhưng RIM đã đánh giá thấp mức độ thay đổi nhanh chóng của thị trường điện thoại thông minh. Iphone ngày một được cải tiến và chiếm được lòng tin của khách hàng; hàng triệu người đã từ bỏ Blackberry để sử dụng sản phẩm của Apple. RIM đã cố gắng theo kịp bằng cách tung ra các sản phẩm mới, như máy tính bảng PlayBook và Torch, nhưng các thiết bị này không được đón nhận nồng nhiệt. PlayBook thậm chí còn được xuất xưởng mà không có ứng dụng email - một trong những lý do người ta sử dụng sản phẩm của Blackberry – do đó số lượng máy được bán ra cực kỳ hạn chế.
Thị phần điện thoại của Blackberry qua các năm (Ảnh: Statista)
Kho ứng dụng cùng camera là những điểm yếu chết người mà các dòng điện thoại của Blackberry tỏ ra quá yếu kém so với các hãng sản xuất điện thoại khác. Nếu như Apple và các công ty điện thoại khác có AppStore và GoogleStore với số lượng ứng dụng được phát triển ngày một nhiều, BlackBerry tiếp tục hi vọng ứng dụng Messenger và email của mình sẽ níu kéo được khách hàng.
Trong khi đó, camera của hãng gần như không được đả động đến, dù nhu cầu sử dụng điện thoại để chụp ảnh ngày một cao. Tới năm 2013, BlackBerry (lúc này đã chính thức được đổi tên) mới bắt đầu có những sự thay đổi khi công bố việc phát hành bộ đôi điện thoại thông minh Z10 và Q10. Tuy nhiên lúc này, thị trường đã thay đổi quá nhiều; bộ đôi điện thoại này thậm chí có doanh số thấp hơn cả Lumia của Nokia vào thời điểm đó.
Blackberry Z10 ra mắt quá muộn màng khiến RIM dần dần mất vị thế trên thị trường điện thoại (Ảnh: Amazon)
Những thiếu sót này cuối cùng đã dẫn đến sự sụp đổ của RIM. Thị phần toàn cầu của RIM bắt đầu đi xuống, từ 20% trong năm 2009 xuống còn dưới 5% vào năm 2012. Và trong quý cuối cùng của năm 2016, trong số hơn 432 triệu điện thoại thông minh được bán ra trên toàn thế giới, chỉ có 207.900 là thiết bị BlackBerry, tương đương với việc thị phần điện thoại thông minh của RIM chỉ nhỉnh 0% đôi chút. Cũng trong năm này, công ty điện tử tiêu dùng Trung Quốc TCL về cơ bản đã mua lại thương hiệu điện thoại BlackBerry, dẫn đến việc họ rời khỏi thị trường điện thoại thông minh 14 năm sau khi phát hành chiếc điện thoại đầu tiên.
Thỏa thuận mua lại giữa hai bên cho phép TCL thiết kế và sản xuất phần cứng điện thoại trong khi BlackBerry cung cấp và cập nhật các phần mềm. Điện thoại BlackBerry ngày nay vẫn sở hữu bàn phím mang tính biểu tượng nhưng chạy trên Android chứ không phải BlackBerry OS. Điều này mang đến cho người dùng kho ứng dụng của Google với số lượng ứng dụng đa dạng hơn, thay vì lượng tài nguyên nghèo nàn trên hệ điều hành cũ. Chiếc điện thoại BlackBerry mới nhất, Key2, đã được phát hành vào năm 2018; và từ đó tới nay, chưa có thêm một chiếc máy mới nào mang thương hiệu này được đưa ra thị trường.
Key2 – chiếc điện thoại cuối cùng mang thương hiệu Blackberry được bán ra đã từ năm 2018 (Ảnh: Blackberry)
Tháng 8 năm nay, thỏa thuận giữa TCL và Blackberry đã chấm dứt, và cái tên Blackberry gần như biến mất khỏi thị trường điện thoại thông minh. Cũng giống như Nokia, việc quá kiêu ngạo và tự tin vào những sản phẩm cũ mà không chịu thay đổi theo xu thế thị trường đã dẫn đến sự lụn bại cho Blackberry. Mặc dù hãng đã có kế hoạch sẽ đưa ra thị trường một mẫu điện thoại 5G vào năm tới, nhưng khả năng Blackberry có thể quay lại cuộc chơi là rất khó, khi mà những Apple, Samsung hay Huawei đã làm quá tốt trong nhiều năm qua. Quả thực đây là cái kết khá cay đắng cho hãng sản xuất điện thoại độc đáo này!
Lấy link