Có một sự thật khá hiển nhiên rằng, trong báo cáo tài chính của mỗi công ty, bạn thường sẽ không thấy tên của các công ty đối thủ. Với riêng Samsung, điều ngược lại đã xảy ra trong quý 3 vừa qua: báo cáo tài chính của gã khổng lồ Hàn Quốc vừa qua có nhắc đến Huawei không chỉ một mà là hai lần.
Do ảnh hưởng của Covid-19, năm 2020 đã chứng kiến sự cạnh tranh giữa Samsung và Huawei lên đến đỉnh điểm. Trong quý 2, Trung Quốc - quê nhà và cũng là thị trường chiếm đến 70% doanh số của Huawei, đã khắc phục được phần lớn ảnh hưởng do dịch bệnh gây ra. Cùng lúc, các thị trường quan trọng của Samsung như Mỹ, châu Âu và Ấn Độ lại bước vào giai đoạn đen tối nhất. Nhờ vậy, Huawei vươn lên giành tới 19% tổng doanh số smartphone bán ra trên toàn cầu trong quý 2 trong khi Samsung chỉ còn chiếm 17%. Ước nguyện bước lên đỉnh thế giới của người Trung Quốc đã chính thức hoàn tất.
Quý 3/2020, Huawei cay đắng nhìn vị trí số 1 thế giới trở lại về tay Samsung. Khoảng cách giữa 2 ông lớn là 30 triệu máy.
Nhưng mọi thứ đã thay đổi hoàn toàn vào quý 3. Khi các nền kinh tế trên toàn cầu dần hồi phục, nhu cầu smartphone từng bị dồn nén trong nửa đầu năm cũng đã nhanh chóng bật tung, tăng tới 22% so với quý 2. Trong bối cảnh này, Samsung tỏ rõ là thương hiệu được nhiều người yêu quý nhất khi đạt doanh số toàn cầu lên tới 80,4 triệu máy, bỏ xa Huawei tới 30 triệu máy và thậm chí còn cao gấp đôi doanh số của Apple (số liệu IDC). Thành công đặc biệt của các mẫu đầu bảng mới ra mắt như Note20 và Z Fold 2 cũng tạo ra lợi nhuận 4,45 nghìn tỷ won, mức cao kỷ lục của mảng di động tại Samsung trong vòng nhiều năm trở lại.
Ở phía còn lại, Huawei phải cố ý... thua cuộc. Đối mặt với lệnh cấm mua chip có sử dụng công nghệ/thiết bị từ nước Mỹ, Huawei bị cắt đứt nguồn linh kiện chủ chốt để sản xuất smartphone. Chưa bao giờ một hãng phần cứng lại phải hoạt động khốn khổ đến thế: smartphone Huawei/Honor càng bán chạy thì công ty càng nhanh hết chip, càng nhanh "biến mất" khỏi thị trường di động. Thay vì thực hiện những chiếc dịch bán hàng quyết liệt như trước đây, Huawei chuyển sang hoạt động cầm chừng nhằm kéo dài sự sống.
Kết quả là doanh số công ty Trung Quốc giảm tới 22%, tham vọng trở lại bắt kịp Samsung giờ phải đặt sau mục tiêu "sống sót".
Là đối thủ nhưng Huawei vẫn buộc phải sử dụng linh kiện từ Samsung.
Ấy thế nhưng cuộc phục thù ngoạn mục của Samsung trước Huawei lại không phải là lý do người Hàn Quốc nhắc đến gã khổng lồ Trung Quốc trong bản báo cáo tài chính mới. Khi công bố thành công, Samsung đã không ngần ngại thừa nhận rằng chính sự khốn khổ của Huawei đã giúp cho thành công của Samsung thêm phần rực rỡ.
Lý do là bởi Samsung không chỉ bán điện thoại mà còn là nhà cung ứng chip nhớ hàng đầu thế giới. Khi Huawei nhận thời hạn cấm mua linh kiện từ nước Mỹ và bắt đầu chạy đua tích trữ, Samsung nằm trong số các nhà cung ứng hưởng lợi. Báo cáo của công ty Hàn Quốc chỉ rõ:
"Với DRAM, nhu cầu di động tăng cao nhờ tính thời vụ và doanh số của điện thoại giá rẻ và tầm trung. Cùng lúc, sự phát triển của 5G và quá trình tích trữ của Huawei cũng đem đến hiệu quả tích cực.
Với NAND, nhu cầu di động cũng cao khi các nhà sản xuất ra mắt model mới, bên cạnh các đơn hàng từ Huawei".
Nếu còn bám trụ với thị trường smartphone, Huawei chắc chắn sẽ còn phải tiếp tục phụ thuộc vào Samsung.
Có lẽ, chưa một công ty nào lại rơi vào tình cảnh cay đắng đến vậy. Vừa mới mất vị trí số 1 vào tay Samsung, Huawei vẫn buộc mang đến thêm doanh thu và lợi nhuận cho đối thủ lớn nhất của mình.
Huawei chắc chắn vẫn mơ đến một ngày trở lại lật đổ Samsung. Nhưng ngay lúc này đây, mối lo lớn nhất của gã khổng lồ Trung Quốc vẫn là sống sót. Và thật trớ trêu, hành trình sống sót của Huawei vẫn sẽ phụ thuộc rất nhiều vào Samsung: tính đến đầu tháng 11, Samsung Display vẫn là nhà sản xuất duy nhất được nước Mỹ cho phép cung ứng màn hình cho smartphone Huawei.
Lấy link