Người tiêu dùng Việt Nam ắt hẳn không còn quá xa lạ với những chiếc iPhone bị "thay lõi" - hay còn gọi là iPhone "dựng", với ngoại hình thì không mấy khác biệt, nhưng bên trong đã bị bên thứ 3 thay thế linh kiện chất lượng kém, không đảm bảo.
Tuy nhiên, điều may mắn đó là Apple cũng đã "để mắt" tới vấn đề này, với mong muốn sản phẩm "con cưng" của mình không bị biến thành những thiết bị "nhái" tràn lan trên thị trường.
Theo đó, kể từ dòng iPhone 12, các bên thứ 3 sẽ không thể tự ý thay thế camera để sử dụng các chức năng chụp hình, mà buộc phải sử dụng linh kiện do chính Apple sản xuất, và từ dịch vụ sửa chữa của chính họ.
Để thử nghiệm độ tương thích giữa các linh kiện, một YouTuber đã mua 2 chiếc iPhone 12 giống hệt nhau, và thử đánh thay thế một số chi tiết bên trong chúng. Kết quả là ứng dụng camera của cả 2 chiếc iPhone sau khi thay thế đã liên tục bị treo, hoặc một số chế độ chụp không thể hoạt động bình thường.
Khi đổi mainboard của hai máy cho nhau, YouTuber này cũng ghi nhận có hàng loạt cảnh báo về Face ID không thể kích hoạt, màn hình không chính hãng, pin không chính hãng... Những lỗi này chỉ biến mất khi đưa từng linh kiện về đúng vị trí của chúng, trên mỗi chiếc iPhone theo như phát hành của nhà sản xuất.
Cách đây nhiều năm, Apple cũng đã từng bước thiết lập "chủ quyền" bằng việc cấu hình cho các thành phần quan trọng như cảm biến vân tay Touch ID, camera Face ID, màn hình và pin... trở nên "không thể thay thế" bởi các bên thứ 3.
Việt, chủ một cửa hàng điện thoại cũ trên phố Thái Hà (Hà Nội) khẳng định trong nhiều năm gần đây, tình trạng iPhone hàng "chế", hàng "dựng" đã giảm mạnh trên thị trường. Nếu có, loại mặt hàng này đa phần chỉ tập trung ở các mẫu đời cũ như iPhone 5, 5S, iPhone 6,...
Trên các mẫu iPhone mới, Việt cho biết việc thay thế linh kiện do bên thứ 3 sản xuất gặp khó khăn, vì mức giá chênh lệch không đáng kể với hàng chính hãng. Cùng với đó như đã đề cập, là khả năng thiết bị gặp lỗi sau một thời gian do không tương thích với linh kiện cũng khiến các chủ cửa hàng hạn chế sử dụng biện pháp này để kinh doanh.
Đối với người dùng, nếu xét theo chiều hướng tích cực thì đây là một tin tốt khi họ có thể phần nào yên tâm về tình trạng hàng "dựng" khi mua và trao đổi các mẫu iPhone cũ, hoặc đã qua sử dụng.
Tuy nhiên ở một góc độ khác, điều này sẽ khiến người dùng phải đối mặt với chi phí sửa chữa "cắt cổ" của Apple nếu iPhone hay thiết bị của họ bị hỏng, và cần thay thế linh kiện.
Để đối chiếu, có thể thấy chi phí thay màn hình (chính hãng) của ngay cả những mẫu iPhone đời cũ như XS hay XS Max hiện cũng lên tới 6 triệu và 8 triệu đồng. Trong khi đó, chỉ riêng viên pin của iPhone X, XS và XS Max cũng đã xấp xỉ 2 triệu đồng.
Trong khi đó, chi phí để thay thế linh kiện của những mẫu smartphone chạy Android thường chỉ bằng phân nửa, hoặc thấp hơn rất nhiều lần so với Apple tại Việt Nam. Lý do là bởi các mẫu smartphone này đa phần đều có sẵn linh kiện từ các cơ sở sản xuất và nguồn cung trong nước, giúp giảm tối đa chi phí khi thay thế, sửa chữa.
(Theo Dân Trí)