Cuối cùng, sau gần nửa năm rò rỉ và sau nhiều tháng kể từ ngày được công bố, Vsmart Aris Pro đã sắp được mở bán đến tay người dùng Việt Nam. Là sản phẩm đầu tiên của Vsmart trong phân khúc cận cao cấp với mức giá lên đến 10 triệu đồng, Vsmart Aris cũng mang trong mình một công nghệ đáng chú ý: camera ẩn dưới màn hình, không "tai thỏ", không giọt nước hay "đục lỗ". Vsmart Aris Pro là mẫu smartphone thứ hai trên thế giới có công nghệ này, nhưng xét tới việc kẻ đi trước (ZTE) cũng chỉ sớm hơn vài ngày, có thể nói rằng Vsmart vẫn thuộc về nhóm tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ còn khá mới mẻ này.
Bạn đồng hành của camera dưới màn
Sự khác biệt giữa 2 tấm ảnh không phải là từ phần cứng mà là do phần mềm mang tới.
Bên cạnh camera dưới màn, Vsmart Aris Pro cũng đi kèm một tính năng cực kỳ quan trọng khác là . Là sản phẩm của Viện nghiên cứu Trí tuệ nhân tạo VinAI (trực thuộc Vingroup), VCam Kristal cho phép cải thiện chất lượng ảnh chụp thông qua các công nghệ tiên tiến như mạng neuron, thị giác máy tính và quan trọng nhất là nhiếp ảnh điện toán.
Vsmart không phải là công ty đầu tiên chọn nhiếp ảnh điện toán làm trọng tâm camera. Trong vòng 3 năm gần đây, hai gã khổng lồ đứng đầu thế giới về phần mềm di động là Google và Apple đều đã lựa chọn nhiếp ảnh điện toán làm vũ khí chống lại cuộc "đua số" của smartphone Hàn Quốc và Trung Quốc. Ngay cả với cảm biến rất nhỏ - kích cỡ đường chéo chỉ bằng một nửa cảm biến từ Samsung hay Huawei, Google và Apple vẫn có thể tạo ra những bức ảnh thiếu sáng có chất lượng không quá thua kém.
Bất kỳ ai hiểu tính chất của cảm biến ảnh chụp đều biết rằng diện tích càng nhỏ thì lượng ánh sáng "hứng" được càng thấp, dẫn đến những bức ảnh bị hiện tượng tối, mờ và/hoặc nhiễu hạt. Để vượt qua trở ngại vật lý, Google và Apple thực chất đã phá vỡ khái niệm khoảnh khắc: thay vì thu về khung hình trong một khoảnh khắc duy nhất, Pixel và iPhone được lập trình để chụp nhiều bức ảnh liên tiếp trong vòng chưa đến một giây. Sau đó, các khung hình chụp được sẽ được AI xử lý bằng cách lồng ghép các chi tiết bị thiếu, cân bằng giữa vùng tối và vùng sáng, hay nói tóm lại là để khắc phục tất cả các điểm yếu chắc chắn sẽ xuất hiện nếu ảnh chụp chỉ là một khoảnh khắc duy nhất.
Trong nhiếp ảnh điện toán, chất lượng ảnh chụp không phải là do một "khoảnh khắc" duy nhất quyết định.
Mục đích cuối cùng của nhiếp ảnh điện toán là để vượt qua giới hạn của phần cứng để tăng cường chất lượng ảnh thành phẩm. Bức ảnh tạo ra không hẳn là một "khoảnh khắc" đã xảy ra trong thực tế mà là sự kết hợp, chọn lọc của những gì camera đã thu về trong nhiều khung hình khác nhau. Trong trường hợp của Deep Fusion trên iPhone chẳng hạn, mỗi bức ảnh được lưu lại trong bộ nhớ được tạo thành từ 4 bức ảnh trước khi người dùng nhấn nút chụp, 4 bức ảnh sau khi nhấn nút và 1 bức ảnh phơi sáng lâu. Với Pixel 4, Google thậm chí có thể lồng ghép 15 khung hình phơi sáng 16 giây để tạo ra những bức ảnh trời đêm nhìn rõ cả ánh sao:
Một hướng đi tiềm năng
Các thông tin được VinAI công bố không làm rõ chi tiết về phương thức nhiếp ảnh điện toán của Airs Pro, nhưng theo phỏng đoán của chúng tôi, việc sử dụng nhiều khung hình là bắt buộc. Do ánh sáng đến camera trước của máy đã bắt buộc phải xuyên qua màn hình phía trên, lượng ánh sáng mà camera này thu về chắc chắn sẽ thấp hơn đáng kể so với camera "giọt nước" hay "đục lỗ". Nếu không kết hợp nhiều khung hình từ những bức ảnh "xấu" chưa qua xử lý, Aris Pro khó lòng có thể tạo ra chất lượng selfie 4K ấn tượng như những gì Vsmart đã công bố.
Không có AI và nhiếp ảnh điện toán, Vsmart sẽ chẳng thể nào tạo ra những chiếc smartphone "vô khuyết" như Aris Pro.
Nếu đi theo con đường của Google và Apple, tương lai của VCam Kristal chắc chắn sẽ không dừng lại ở những bức ảnh 4K trên camera trước. Áp dụng chung một nguyên lý phá vỡ khái niệm khoảnh khắc, Vsmart hoàn toàn có thể sử dụng công nghệ này để tăng cường chất lượng ảnh chụp thiếu sáng cho camera sau của Aris Pro hoặc các dòng điện thoại khác. Tuy vẫn là những chiếc smartphone "phá giá cấu hình" thực thụ nhưng điện thoại Vsmart nhìn chung vẫn không thể bắt kịp với smartphone đầu bảng của hãng khác về cấu hình. Các công nghệ AI như VCam Kristal sẽ giúp giảm đáng kể khoảng cách này, theo cùng một cách iPhone hay Pixel bắt kịp với Samsung Galaxy hay Huawei Mate/P dù chỉ sử dụng cảm biến có kích cỡ bằng 1/4.
Chưa hết, AI và nhiếp ảnh điện toán còn có thể được sử dụng để tạo ra những tính năng thú vị hơn nữa. Vẫn là dùng nhiều khung hình ở nhiều khoảnh khắc khác nhau, Google đã từng tạo ra những bức ảnh bokeh chỉ bằng camera đơn - tính năng nay được Apple "học hỏi" lên iPhone XR và iPhone SE. Với Pixel 3, Google cũng từng "lồng" những khung hình tách rời của ảnh zoom số thành ảnh có độ nét và chi tiết giống như zoom thật.
Liệu phần mềm có "gánh" được phần cứng?
Tuy vậy, cũng cần phải lưu ý rằng tương lai của nhiếp ảnh điện toán vào lúc này vẫn chưa thực sự rõ ràng. Với chiếc iPhone 12 Pro Max mới ra mắt gần đây, Apple đã chính thức gia tăng kích cỡ cảm biến thêm 47% so với các mẫu iPhone 12 khác. Bước đi này của Apple thể hiện sự công nhận phần nào rằng nhiếp ảnh điện toán không thể thay thế hoàn toàn cho các giới hạn vật lý, và rằng cảm biến lớn hơn vẫn sẽ mang lại những lợi ích không thể thay thế.
Trên bảng xếp hạng DxOMark, điểm số của Apple và Google cũng ngày càng tụt hậu so với các đối thủ châu Á vốn đang sử dụng những cảm biến ngày một lớn hơn (1/1.7 hay thậm chí là 1/1.3 inch). Với chiếc smartphone đầu tiên sử dụng camera dưới màn, các thuật toán cũng đã không thể giúp tạo ra chất lượng ảnh chụp ở mức chấp nhận được. Do đó, Vsmart đang phải đứng trước một thách thức thực sự.
VCam Kristal có thể là điểm khởi đầu cho kỷ nguyên AI Camera của Vsmart.
Dù sao, chất lượng ảnh chụp từ camera dưới màn của Vsmart Aris Pro lúc này vẫn còn là một ẩn số. Chỉ còn ít lâu nữa thôi, khi chiếc Vsmart cao cấp nhất lên kệ, chúng ta sẽ có câu trả lời xem liệu nhiếp ảnh điện toán có thể thực sự giúp Vsmart khởi đầu kỷ nguyên camera dưới màn hay không.
Lấy link