Vỏn vẹn 1 tuần sau khi chính thức thực thi đòn trừng phạt không cho phép Huawei mua các sản phẩm chip có sử dụng công nghệ từ Mỹ, chính quyền Trump đã tung cho thương hiệu Trung Quốc không chỉ 1 mà là 2 chiếc phao cứu mạng: AMD và Intel. Một tuyên bố khác cho biết Qualcomm, gã khổng lồ thống trị thị trường chip di động, hiện cũng đang xin giấy phép để được bán chip cho Huawei.
Từ chỗ thiếu chip đến mức phải tích trữ cả sản phẩm chưa qua kiểm thử chất lượng, Huawei có thể coi là đã chính thức thoát chết. Liệu gã khổng lồ Trung Quốc có thể mơ trở lại với đỉnh cao thế giới - vị thế vừa đạt được sau khi đánh bại Samsung trong quý 1 vừa qua?
AMD chưa bao giờ sản xuất chip cho smartphone, còn Intel cũng đã buông bỏ thị trường này được gần nửa thập kỷ.
Ngay vào lúc này, đó là một mục tiêu cực kỳ khó, nếu không muốn nói là bất khả thi. Tính đến giữa tháng 10, Qualcomm vẫn chưa xin được giấy phép bán hàng cho Huawei. Chưa bắt tay được với Qualcomm hay bất kỳ hãng chip di động nào khác, Huawei sẽ phải phụ thuộc vào chip AMD và Intel để gây dựng lại vị thế trên thị trường smartphone.
Cả 2 đều không phải là những lựa chọn tốt. Nhắc đến AMD và Intel vẫn là nhắc đến chip x86 cho PC trước tiên. Trong quá khứ, AMD đã từng sản xuất chip sử dụng kiến trúc ARM (kiến trúc phổ biến nhất trên thiết bị di động) nhưng là cho máy chủ, và ngay cả dòng chip này cũng đã bị khai tử gần 4 năm về trước. Intel cũng đã từng bắt tay với Google trong hơn 1 năm để đưa x86 lên Android (qua nhiều mẫu điện thoại của Lenovo, ASUS…) nhưng cũng không hề thành công. Tháng 4/2016, những nỗ lực phát triển chip Atom cho smartphone và tablet chính thức bị hủy bỏ.
Ở thời điểm hiện tại, cả AMD và Intel đều sẽ mất rất nhiều thời gian để có thể phát triển chip cho smartphone. Giả sử quá trình này kéo dài 1 năm, Huawei sẽ phải sống sót trên thị trường di động bằng những con chip "mua vội" từ TSMC trước khi chính thức chịu lệnh cấm, bao gồm cả những con chip chưa qua kiểm thử chất lượng. Trong vòng 1 năm, Huawei cũng không thể ra mắt các công nghệ có liên quan đến chip (AI chẳng hạn). Nói cách khác, trong vòng 1 năm, thị phần của Huawei sẽ là miếng mồi ngon để các đối thủ như Samsung, Xiaomi, OPPO… xâu xé.
Sự thật tất yếu là Huawei sẽ ngày càng tụt hậu trước các đối thủ cạnh tranh.
Những gì xảy ra tiếp theo cũng đáng lo ngại không kém. Theo tin đồn mới nhất, chính quyền Tổng thống Trump sẽ cho phép Huawei trở lại hợp tác với nhà sản xuất chip TSMC nhưng lại chỉ cấp phép cho chu trình 28nm. Chu trình sản xuất chip này đã được đưa vào sản xuất thương mại từ năm… 2011. Những con chip cuối cùng sử dụng 28nm đã ra mắt từ tận 4, 5 năm về trước đều là chip tầm trung/giá rẻ (Exynos 7580, Helio P10M…) có hiệu năng kém.
Cần lưu ý rằng thông tin này chưa được công bố chính thức. Tuy vậy, việc nước Mỹ trói Huawei vào các công nghệ cũ có lẽ sẽ chẳng gây bất ngờ cho bất kỳ ai cả. Một mặt, nước Mỹ vẫn muốn mở cửa (một phần) để Huawei mua hàng và sinh lời cho các công ty Mỹ. Mặt khác, từng quy kết Huawei có liên hệ mật thiết với chính quyền Trung Quốc, chính quyền Mỹ sẽ không muốn cung cấp các công nghệ hàng đầu để giúp Huawei trở lại với thị phần thống trị.
Gần như chắc chắn, các mẫu chip AMD và Intel bán cho Huawei sẽ phải chịu rất nhiều giới hạn và sẽ tụt hậu trầm trọng so với chip ARM được sử dụng trên iPhone, Galaxy hay Mi. Sức cạnh tranh của gã khổng lồ từng đứng số 1 thế giới sẽ giảm sút ngày một trầm trọng hơn.
Trong quá khứ, công nghệ tân tiến không phải là chìa khóa giúp Huawei chiếm giữ vị trí số 1 tại quê nhà.
Tuy vậy, không phải mọi cánh cửa đều đã đóng lại với Huawei. Kể từ khi bị cấm hợp tác với Google (và mất quyền sử dụng Android có Google Play), Huawei đã biến "quê nhà" Trung Quốc thành lợi thế cạnh tranh lớn nhất khi đối đầu cùng Apple, Samsung và các thương hiệu "đồng hương" như Xiaomi hay OPPO. Quý 2 vừa qua, 70% doanh số của Huawei đến từ Trung Quốc, 30% còn lại đến từ các quốc gia Đông Âu. Sự hồi phục mạnh mẽ của Trung Quốc trong quý này, cũng như các đợt dịch bùng phát tại các thị trường phương Tây được coi là nguyên nhân lớn nhất giúp Huawei giành được ngai vàng từ tay Samsung.
Chiến lược được Huawei áp dụng để chiếm đến 40% thị phần tại Trung Quốc cũng không phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ. Theo thông tin của Nikkei, các cửa hàng bán Huawei sẵn sàng thu mua bất kỳ thương hiệu nào khác để giảm giá cho điện thoại Huawei mới. Các món quà tặng kèm smartphone Huawei cao cấp có thể có giá trị lên tới hàng trăm USD.
Tất cả các chương trình khuyến mại nặng tay này đều có thể giúp Huawei duy trì phần nào thị phần trong những tháng sắp tới. Tuy vậy, sự thật không thể chối cãi là mọi thứ đều đã trở nên khó khăn hơn rất nhiều với nhà sản xuất smartphone số 1 Trung Quốc. Tháng 12 tới đây, Qualcomm sẽ vén màn Snapdragon 875, sản xuất trên quy trình 5nm tân tiến của Samsung. Khoảng cách công nghệ giữa những chiếc smartphone Samsung, OPPO, Xiaomi… dùng chip Qualcomm với những chiếc Huawei dùng chip AMD và Intel sẽ là rất lớn. Với gã khổng lồ Trung Quốc, nhiệm vụ giành lại vị trí số 1 thế giới vì thế cũng sẽ ngày một khó khăn hơn.
Lấy link