Vấn đề của Pixel là chúng là những chiếc điện thoại cao cấp với mức giá cao cấp, trong khi dòng sản phẩm Nexus chính là "tác giả" của khái niệm "kẻ huỷ diệt flagship" mà chúng ta vẫn còn sử dụng cho đến ngày nay.
Trên thực tế, khái niệm này xuất hiện cùng với chiếc Nexus 4, vốn có giá ở thời điểm ra mắt là 300 USD cho bản bộ nhớ trong 8GB (350USD cho bản 16GB). Một năm sau đó, chiếc máy này chỉ còn khoảng 200 USD, nhưng kể cả vậy, giá bán ban đầu của Nexus 4 vẫn chỉ rẻ chưa bằng một nửa so với những gì Google yêu cầu người tiêu dùng bỏ ra cho chiếc Pixel 5 vừa ra mắt hồi đầu tuần qua. Thậm chí Nexus 4 còn rẻ hơn cả Pixel 4a nữa!
Và dù rằng Nexus 4 ra mắt từ năm 2012, chúng ta cũng hãy thử so sánh nó một chút với Pixel 5 xem sao nhé!
Điểm khác biệt đáng chú ý nhất chính là chipset: Nexus 4 được trang bị Snapdragon S4 Pro, con chip đỉnh nhất vào thời điểm đó; trong khi Pixel 5 chỉ được trang bị Snapdragon 765G vốn còn không phải là "đại ca" của series 7xx nữa.
Về RAM, Nexus 4 có 2GB, cao hơn so với flagship Galaxy S III mà Samsung ra mắt trước đó 6 tháng, với chỉ 1GB RAM. Công bằng mà nói, Galaxy S III có bộ nhớ trong lớn hơn và hỗ trợ mở rộng bằng thẻ nhớ. Bộ nhớ trong hạn chế là một trong những lý do tiềm tàng khiến nhiều người rụt rè khi cân nhắc Nexus.
Từ trái sang: LG Optimus G - Google Nexus 4 - Samsung Galaxy Nexus
Tiếp đến là màn hình: Nexus 4 có màn hình IPS LCD 4.7-inch, độ phân giải 720p, không có gì đặc sắc và là một tiêu chuẩn khá phổ biến ở thời điểm đó. Tỉ lệ màn hình 15:9 của nó thì ít phổ biến hơn - nên nhớ đây là thời điểm trước khi màn hình smartphone bắt đầu trở nên dài hơn và hẹp hơn.
Màn hình máy được ép vào lớp kính bảo vệ Gorilla Glass 2, một công nghệ mà LG gọi là "Zerogap Touch" (nó còn tích hợp một lớp số hoá điện dung nữa). Thiết kế màn hình này được bê nguyên xi từ chiếc LG Optimus G, vốn là nền tảng cho Nexus 4 và là "ông tổ" của series G từ LG.
Nexus 4 có một viên pin khá nhỏ, dung lượng 2.100mAh - hiển nhiên thời lượng pin không phải điểm mạnh của Nexus, nhưng nó là chiếc điện thoại Android đầu tiên được trang bị khả năng sạc không dây chuẩn Qi (chiếc Nokia Lumia 920 ra mắt cùng thời điểm cũng hỗ trợ sạc chuẩn Qi). Chiếc Palm Pre, một sản phẩm tiên phong trên khá nhiều khía cạnh, đã được trang bị sạc không dây từ...3 năm trước rồi, chỉ khác công nghệ mà thôi.
Dòng Pixel thì không hỗ trợ sạc không dây trên hai thế hệ đầu tiên, và hiện nay, cũng chỉ có một mẫu là Pixel 5 có tính năng này. Trong khi Nexus là một dòng sản phẩm đi đầu trong công nghệ sạc, dòng Pixel thậm chí chẳng màng đến chuyện cạnh tranh với các đối thủ (không hỗ trợ sạc nhanh không dây, còn sạc dây cao nhất cũng chỉ 18W).
Một thứ mà Pixel 5 và 4a 5G sở hữu là kết nối thế hệ mới - sub-6 GHz 5G, và ở một số khu vực là mmWave. Nexus 4 là một thiết bị 3G, bỏ qua trào lưu 4G đang dần phổ biến vào thời điểm đó (trên thực tế, Nexus 4 hỗ trợ LTE Band 4, nhưng không hữu dụng lắm).
Camera của Nexus 4 không có gì nổi trội (nếu không muốn nói là...không tốt cho lắm), sử dụng cảm biến Sony BSI 8MP để chụp ảnh và quay video 1080p. Máy được cài sẵn Android 4.2 Jelly Bean vào thời điểm ra mắt, sau đó được nâng cấp lên 4.4 KitKat với chế độ HDR+ - bước chân đầu tiên của Google vào vùng đất nhiếp ảnh điện toán.
Về vấn đề cập nhật, Nexus 4 nhận được Android 5.1 Lollipop chỉ một thời gian ngắn trước khi bị ngừng hỗ trợ vào tháng 5/2015, gần 3 năm sau khi ra mắt. Không tệ với một sản phẩm giá 300 USD nhỉ?
Mặt lưng của thiết bị được thiết kế với hiệu ứng ảnh nổi (holographic) khá thú vị - một mạng lưới các chấm nhỏ lập loè khi bạn cầm máy trên tay và di chuyển qua lại. Google thực hiện điều này bằng cách khắc hoạ tiết vào kính, và hoạ tiết này sẽ tán xạ ánh sáng chiếu vào theo nhiều góc khác nhau. Ngày nay, những kiểu hoạt tiết khắc vào kính đã trở nên khá phổ biến, với nhiều hình dạng khác nhau từ những đường cong chữ S cho đến những đường kẻ chữ V, được các nhà sản xuất điện thoại sử dụng để giúp sản phẩm của họ nổi bật hơn đôi chút.
Nexus 4 khi ra mắt chỉ có màu đen, và vào năm 2013, Google đã làm mới nó với phiên bản màu trắng.
Nexus 4 là một sản phẩm thú vị. Nó không phải là chiếc điện thoại tốt nhất khi xuất hiện trên thị trường bởi dính khá nhiều lỗi. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, bỏ 300 USD để có được một chiếc flagship hiệu năng cao như Nexus 4 là điều cực kỳ khó. Thiết bị này cũng không phải là sản phẩm bán chạy, nhưng nó luôn được mọi người nhớ đến. "Tại sao tôi phải bỏ ra X USD khi có thể mua được Nexus 4 với chỉ 300 USD?" - người ta thường nghĩ vậy. Tại sao nhỉ?
Cuối cùng, xin chia sẻ với các bạn một thông tin thú vị về sự kiện ra mắt Nexus 4: bão Sandy lúc đó đang ập vào thành phố New York, nên Google phải huỷ bỏ sự kiện giới thiệu sản phẩm. Vào phút cuối, công ty cân nhắc lại và quyết định công bố Nexus 4 mà chẳng cần sự kiện nào cả!
Tham khảo: GSMArena
Lấy link