Trong nhiều tháng trời, Huawei sống trong cảnh ngàn cân treo sợi tóc. Một điều luật được chính quyền Trump ban bố vào tháng 5 quy định bất kỳ công ty nào khi bán chip có sử dụng công nghệ, thiết bị của nước Mỹ cho các công ty thuộc "danh sách đen" sau ngày 15/9 sẽ đều phải được Bộ Thương mại Mỹ cấp phép. Với Huawei, quy định này có một ý nghĩa duy nhất: TSMC (Đài Loan), Samsung (Hàn Quốc), Sony (Nhật Bản) hay bất kỳ một nhà sản xuất chip nào khác đều sẽ phải xin phép nước Mỹ nếu muốn bán chip cho Huawei.
Ngay lập tức, Huawei và các nhà cung ứng phải chạy đua với thời gian. Huawei vội vã nhập về tất cả số chip có thể trước hạn định 15/9, bao gồm cả những con chip vừa xuất xưởng, chưa qua kiểm thử chất lượng. Nhà sản xuất smartphone số 1 Trung Quốc (và thế giới) bỗng dưng phải đối mặt với một nguy cơ khủng khiếp: không có chip, Huawei sẽ không có thứ gì để sản xuất, không còn sản phẩm nào để bán cả.
Trong vòng 1 tuần sau khi Huawei bị cắt nguồn cung chip, AMD và Intel đã lần lượt công bố nhận được giấy phép hợp tác cùng công ty Trung Quốc.
Ấy vậy mà chỉ 3 ngày sau, AMD, nhà sản xuất chip PC lớn thứ hai thế giới - và cũng là một công ty Mỹ, đã lên tiếng thông báo được cấp phép "kinh doanh" với Huawei. Tiếp sau đó chỉ vài ngày, đến lượt Intel khẳng định sẽ nhận được giấy phép tương tự. Như thế, chỉ trong 1 tuần lễ sau khi tung ra đòn kết liễu, nước Mỹ đã ném về phía Huawei tới 2 cái phao cứu mạng.
Nạn nhân thực sự của lệnh cấm
Theo thông báo của chính Huawei, một công ty Mỹ khác là Qualcomm cũng đang xin cấp phép để bán chip cho Huawei. Chưa rõ đơn xin này có thành công hay không, nhưng ít nhất với AMD và Intel, Huawei đã có một con đường sống.
AMD, Intel và Qualcomm có hai điểm chung quan trọng: tất cả đều là các công ty Mỹ, và đều là các công ty bán chip thành phẩm. Riêng AMD và Qualcomm thậm chí còn không có nhà máy sản xuất mà chỉ hoạt động theo mô hình fabless - thiết kế, thuê gia công và bán thành phẩm cho các hãng sản xuất.
Huawei, hay nói đúng hơn là công ty con HiSilicon của Huawei, cũng là một công ty fabless. Trong nhiều năm, HiSilicon thiết kế chip Kirin cho smartphone Huawei, tạo ra những lợi thế dành riêng trên lĩnh vực ảnh chụp nói riêng và xử lý AI nói chung. Những con chip của HiSilicon thiết kế sẽ được TSMC hoặc SMIC sản xuất trước khi đưa vào smartphone Huawei/Honor.
Smartphone Huawei có lẽ sẽ tiếp tục sống sót, nhưng chip Huawei thì gần như chắc chắn là không.
Khi Huawei chỉ còn quyền mua chip AMD/Intel (và có thể là Qualcomm), HiSilicon sẽ trở nên vô nghĩa. Những con chip SoC, thành phần cốt lõi nhất của smartphone Huawei hay bất kỳ thiết bị nào khác, sẽ do các công ty Mỹ cung cấp và kiểm soát toàn bộ.
Cuối tháng 8, khi ngày phán xét đã cận kề, nguồn tin "nằm vùng" trong chuỗi cung ứng là DigiTimes cho biết các nhân viên HiSIlicon đã lũ lượt rời bỏ Huawei. Trước đó, chính Huawei cũng tuyên bố Mate 40 sẽ là sản phẩm cuối cùng dùng chip Kirin. Giờ đây, khi được quyền mua chip AMD/Intel, smartphone Huawei có lẽ sẽ tiếp tục sống sót (Google và Intel đã hợp tác phát triển Android trên x86 từ 2013). Nhưng nạn nhân thực sự là Kirin và HiSilicon. Mất quyền tiếp cận với các đối tác gia công, Huawei cũng mất luôn khả năng tự thiết kế chip.
Không dồn vào đường cùng
Những người theo dõi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có lẽ đều đã nhận ra một điểm đặc biệt: chính quyền Mỹ đã tung ra rất nhiều đòn đau vào Huawei nhưng tuyệt nhiên chẳng hề đả động đến các công ty Trung Quốc khác như Xiaomi, Lenovo/Motorola hay BBK (công ty mẹ của OPPO, Vivo, Realme…). Thậm chí, thương hiệu con của BBK là OnePlus hiện tại vẫn đang được bán rộng rãi tại Mỹ, Motorola cũng vậy.
Chip của Mỹ sẽ thế chỗ chip Trung Quốc để trở thành "linh hồn" của smartphone Trung Quốc.
Điểm khác biệt lớn nhất giữa Huawei và các tên tuổi Trung Quốc còn lại chính là những con chip. Trừ Huawei, tất cả các nhà sản xuất smartphone Trung Quốc vẫn đang dùng chip Snapdragon của Qualcomm . Sau khi được mở cửa tiếp cận AMD và Intel, Huawei cũng sẽ giống các "đồng hương", cũng sẽ phụ thuộc vào sản phẩm của các công ty Mỹ.
Đó có lẽ là kịch bản mà chính quyền Trump đang thực sự nhắm tới. Dồn Huawei vào đường cùng sẽ chẳng mang lại lợi ích gì cả: xét cho cùng, Huawei giờ chỉ tập trung vào thị trường Trung Quốc và cũng đang là tên tuổi thống trị tại quê nhà. Loại bỏ Huawei chắc chắn sẽ không giúp các công ty Mỹ có thể vào Trung Quốc thế chỗ - thậm chí còn có thể gây hại cho Apple, Qualcomm, Microsoft…
Ngược lại, Huawei có thể trở thành kênh tiêu thụ sản phẩm (chip) cho các công ty Mỹ ngay tại Trung Quốc. Chính quyền Trump đang và có lẽ sẽ chỉ cấp phép duy nhất cho các công ty bán chip thành phẩm từ nước Mỹ mà thôi. Đây là cách nước Mỹ vừa có thể tạo doanh thu từ một công ty "danh sách đen" như Huawei.
Bắt buộc phải phụ thuộc
Tại sao lại phải tận diệt Huawei khi công ty này có thể là kênh phân phối chip AMD, Intel (và Qualcomm?) tại Trung Quốc?
Những ngày cuối tháng 9, Reuters và Financial Times cùng đăng tải thông tin rằng SMIC sẽ sớm phải chịu "cấm vận" từ nước Mỹ. Theo các nguồn tin này, chính quyền Trump sẽ gia tăng kiểm soát đối với các sản phẩm xuất khẩu tới nhà sản xuất chip số 1 của Trung Quốc, vốn từng được coi là "cứu cánh" của Huawei.
Bức tranh tương lai đang ngày một rõ ràng hơn. Một mặt, Huawei sẽ được "cứu" bởi nguồn hàng thành phẩm đến từ nước Mỹ. Mặt khác, Huawei và SMIC có vẻ sẽ bị cắt đứt khả năng tự chủ công nghệ bán dẫn. Một lần nữa, đây vẫn là kịch bản đẹp nhất mà ông Trump đang thực sự hướng đến: nước Mỹ vẫn giữ được quyền kiểm soát lên các thiết bị Trung Quốc, các công ty Mỹ vẫn kiếm được doanh thu từ chính các thiết bị này.
Lấy link