Epic là kẻ đầu tiên trong lịch sử dám cố tình thách thức Apple bằng cách đưa phương thức thanh toán riêng vào Fortnite phiên bản iOS, qua mặt khoản phí 30% của App Store. Ngay lập tức, Apple đã xóa Fortnite khỏi chợ ứng dụng iOS. Vài ngày sau, xuất hiện ngay trên trang nhất của App Store là PUBG, tựa game cạnh tranh số 1 với Fortnite.
Tiếp theo, Apple dọa cắt đứt hỗ trợ các tài khoản Unreal Engine (nền tảng phát triển game của Epic). Tuy tòa án không cho phép Apple thực hiện động thái trên, rõ ràng là Tim Cook chẳng cần tung đòn mà đối thủ đã đau: theo khẳng định từ chính Epic, nhiều nhà phát triển đã từ bỏ Unreal Engine vì e ngại về tương lai bấp bênh của nền tảng này.
Chưa hết, Apple dọa loại bỏ tính năng đăng nhập Fortnite, Epic vội vã "la làng". Nhưng ít ngày sau, nhà Táo thủng thẳng tuyên bố với The Verge và Fox Business: đâu phải đâu, Apple chẳng hề có ý định làm vậy. Như thế, phát triển Fornite đã bước thẳng vào cái bẫy truyền thông của nhà Táo.
"Mặn" nhất, công ty của Tim Cook đã nói trắng ra rằng Fortnite đang dần hết thời: tháng 7/2020, sự quan tâm đến Fortnite đã giảm gần 70% so với tháng 10/2019. Epic kiện tụng chỉ để thu hút sự chú ý trở lại với tựa game số 1 của mình mà thôi.
Một trong những kẻ lên tiếng ủng hộ Epic đầu tiên là Spotify. Năm 2019, Spotify đã đệ đơn kiện Apple về khoản phí 30% mà các nhà phát triển phải chia sẻ với Apple. Sự đáp trả của Apple dành cho Spotify cũng đầy đủ và rõ ràng như với Epic: trong con mắt của nhà Táo, dịch vụ stream nhạc số 1 thế giới đơn giản là chỉ muốn tận hưởng đầy đủ các lợi thế về cộng đồng người dùng, các công cụ phát triển, hệ thống thanh toán bảo mật… mà không phải tốn một xu nào cho App Store cả.
Nhưng "mặn" nhất là cách Apple mô tả đối thủ và bản thân mình. Dù cả Apple và Spotify đều có thể coi là các nền tảng bán sản phẩm của người khác, công ty của Tim Cook vẫn có thể biến mình thành người hùng còn Spotify là kẻ thù của cả thế giới âm nhạc:
"Spotify không chỉ cố gắng lợi dụng App Store mà còn cả các nghệ sĩ, các nhạc công, người viết nhạc nữa... Tuần này, Spotify vừa đệ đơn kiện các nhà sản xuất âm nhạc sau khi Ủy ban Tác quyền Mỹ yêu cầu họ phải trả thêm tiền bản quyền..
Bằng cách tạo ra các chợ nội dung, Apple tạo ra cơ hội mới không chỉ cho chúng tôi, mà cho cả các nghệ sĩ, những người sáng tạo, các nhà khởi nghiệp, những kẻ điên khùng với ý tưởng lớn... Chúng tôi mong Spotify tiếp tục thành công. Xét cho cùng, đó là mục tiêu của App Store".
Tháng 1/2017, Apple và Qualcomm bắt đầu các vụ kiện về chi phí bằng sáng chế kết nối di động và chip modem 4G. Trong cuộc chiến kéo dài từ iPhone X đến iPhone 11, Qualcomm không bán cho Apple bất kỳ một con chip modem nào cả - iPhone, iPad và các thiết bị Apple khác phải chuyển sang dùng chip modem từ Intel.
Phải đến khi tất cả các đối thủ đã đặt chân vào thời đại 5G - và cũng là khi modem Intel thua đứt trước modem Qualcomm, hai bên mới tính đến chuyện dàn hòa vào đầu năm 2019. Nhưng trong lúc CEO của Qualcomm hồ hởi tuyên bố về những diễn tiến hòa bình này, Tim Cook vẫn thẳng thừng gọi mô hình nhượng quyền của Qualcomm là "bất hợp pháp".
Vỏn vẹn 3 tháng sau, thỏa thuận 4,5 tỷ USD giữa hai bên được công bố. Cổ phiếu của Qualcomm tăng vọt ngay sau khi thông báo này được đưa ra, CEO lại lên báo nói "rất vui mừng".
Ở phía còn lại, Tim Cook không chỉ nói "hài lòng" mà còn công bố luôn về thương vụ 1 tỷ USD để mua lại mảng phát triển chip 5G của... Intel. Đó mới là thông điệp thực sự của nhà Táo: thỏa thuận chỉ là tạm thời, Apple vẫn thừa tiền để chuẩn bị cho một ngày phục thù, loại bỏ Qualcomm ra khỏi iPhone.
Với bản chất là một nền tảng quảng cáo, Facebook là một trong số rất ít các công ty bị Apple "cà khịa" (chứ không phải là cà khịa Apple rồi bị đáp trả). Sau scandal bán dữ liệu người dùng cho mục đích chính trị của Facebook, CEO Tim Cook của Apple đã lên tiếng mỉa mai Facebook, gọi công ty này là kẻ "bán" người dùng - hay chính xác hơn là thông tin của họ.
Vốn không phải là tay vừa, Facebook cũng luôn tìm cách chọc giận Apple. Trong vụ việc của Epic, Facebook đổ dầu vào lửa bằng tuyên bố Apple đã không cho phép công ty này được bỏ qua khoản phí 30% cho doanh nghiệp trong mùa dịch Covid-19. Sau đó, Facebook còn cố tình đăng tải một phiên bản ứng dụng trên iOS với thông báo rằng các nhà quảng cáo sẽ phải trả nhiều tiền hơn nếu thực hiện thanh toán qua các thiết bị của Apple.
Im lặng trước những công kích từ Facebook, Apple chỉ... càng ngày càng thắt chặt các cơ chế quảng cáo trên iOS. Cuối tháng 8, chính Facebook phải lên tiếng kêu đau: khi iOS 14 cung cấp tính năng cho phép người dùng chặn mã số quảng cáo của thiết bị, doanh thu mảng Audience Network của Facebook sẽ giảm 50%. Quả là không có cách nào để nhắc khéo Facebook hơn rằng, đến cuối cùng, mạng xã hội số 1 hành tinh vẫn chỉ là khách trên nền tảng di động có doanh thu cao nhất thế giới.
Năm 2016, một chiếc iPhone trở thành tâm điểm của vụ kiện giữa FBI và Apple. Theo Cơ quan Điều tra Liên bang Hoa Kỳ, Apple cần phải tạo ra công cụ mở khóa (backdoor) cho chiếc iPhone của tên khủng bố tại San Berdino.
Apple kiên quyết nói không vì cho rằng một công cụ như vậy có thể bị lộ ra ngoài và lạm dụng cho các mục đích xấu. FBI đưa Apple ra tòa và ngay lập tức nhận lời chỉ trích "không cẩn thận", "kém hiểu biết":
Sau đó, vụ kiện đã bị rút lại khi FBI thuê được một công ty Israel để hack chiếc iPhone nói trên. Mong ước thực sự của FBI về một công cụ mở khóa "bất khả chiến bại" (vì được chính Apple tạo ra) vẫn chưa thành hiện thực.
Lấy link