Trong khi homescreen của Android liên tục tiến hoá và thay đổi - các launcher ngày một hoàn thiện hơn với nhiều tính năng tiện lợi, và các gói biểu tượng cũng trở nên lớn hơn, đẹp mắt hơn - thì có một thứ trên homescreen từ lâu vẫn dậm chân tại chỗ: widget.
Widget mang lại cho người dùng Android tiềm năng tuỳ biến cùng tính tiện ích cực cao, nhưng điều đó chỉ đúng nếu các nhà phát triển ứng dụng thực sự bỏ thời gian để giúp chúng trở nên thiết thực, có khả năng kéo dãn ra nhiều kích cỡ, và trông đẹp mắt.
Nhiều người từng kỳ vọng từ mùa xuân năm nay rằng sự xuất hiện của widget trên iOS 14 sẽ tạo động lực thúc đẩy widget trên Android tiến về phía trước, và nó sẽ nhắc nhở các nhà phát triển cũng như chính bản thân Google rằng widget có thể là một tính năng tuyệt vời nếu được thực hiện đúng cách. Mùa hè đã trôi qua, iOS 14 đã chính thức ra mắt, và người dùng Android có gì? Một bằng chứng rõ như ban ngày rằng Google quan tâm đến widget trên iPhone hơn là widget trên Android!
Widget trên iOS 14
Android đã có widget từ cả thập kỷ trước, và chúng đã bị widget iOS vượt mặt chỉ trong một ngày. Một ngày thôi. Điều đó không có nghĩa Android chẳng có widget nào đẹp cả, nhưng việc những widget tốt hầu như luôn đến từ các nhà phát triển widget bên thứ ba thay vì từ các nhà phát triển ứng dụng - và hầu như chưa bao giờ đến từ bản thân Google - là một sự hổ thẹn đối với nền tảng này.
Chúng ta đều biết Google có thể tạo ra những widget trông thật sự đẹp mắt chứ không hề sơ sài và cổ lỗ như thể được thiết kế từ năm 2014. Tuy nhiên, giống như rất nhiều mặt của Android, Google không đưa ra một quy chuẩn rõ ràng và từ chối làm người tiên phong dẫn đầu. Trong khi hãng thất bại trong việc tối ưu hoá hầu hết các ứng dụng của mình cho tablet và Chromebook, các widget của Google đều cũ kĩ, cồng kềnh, và không được tối ưu hoá tốt. Widget "xịn sò" nhất Google từng tạo ra có lẽ là At A Glance, vốn xuất hiện lần đầu trên các thiết bị Pixel vào năm 2016 và sau đó được mang lên mọi điện thoại Android khác vào năm 2018.
Widget Google Calendar
Widget Calendar của Google thì đã bao năm qua không hề thay đổi. Widget Chrome cũng vậy. Widget Google Books thì xuất hiện từ năm...2012, còn widget YouTube Music dù mới chỉ xuất hiện vào mùa thu năm ngoái cũng trông chẳng khác những thứ từ thời kỳ giao diện Holo: không thay đổi kích cỡ được, không thích ứng với màu sắc hình nền, và bản thân nó thì có màu xám tối đặc trưng của giao diện Android từ năm...2013.
Như đã nói ở trên, Google hoàn toàn đủ khả năng mang lại cho người dùng những widget linh hoạt, đầy màu sắc hơn thế. Điều đó thể hiện rõ trong widget phát nhạc nằm ở khu vực thông báo của Android 11, với khả năng trích xuất màu từ bìa album để tạo nên một trải nghiệm đa phương tiện rực rỡ đầy thú vị. Đó là điều có thể được thực hiện với các widget khác dễ như ăn kẹo, bởi nếu từng dùng KWGT, bạn hẳn biết làm rồi!
Widget phát nhạc trên Android 11
Google luôn cố thiết kế nên một chuẩn mực về giao diện cho Android. Mỗi năm, hãng đều tìm cách biến Android trở nên thống nhất hơn và thân thiện với người dùng hơn, ấy thế nhưng các sản phẩm của chính họ lại không tuân thủ chuẩn mực mới. Google tung ra tính năng Adaptive Icons vào năm 2017 trên Android Oreo, và 3 năm sau, chẳng bao nhiêu ứng dụng của chính Google sử dụng đến nó chứ chưa nói đến hàng triệu triệu biểu tượng ứng dụng khác, vốn chỉ đáp ứng được những yêu cầu tối thiểu nhất của Google Play mà thôi.
Home screen của Android sẽ trông tuyệt vời ra sao nếu Google thiết kế cho nó những widget với độ chi tiết chỉ bằng một nửa so với những gì Apple đã làm? Trải nghiệm ứng dụng Android trên Chromebook và tablet Android sẽ tốt hơn đến mức nào nếu Google tập trung tối ưu hoá cho màn hình lớn dù chỉ với một nửa sự chuyên tâm như Apple đã làm?
Tuỳ biến giao diện homescreen bằng KWGT
Bạn đừng kỳ vọng điều đó sẽ xảy ra, bởi nó không bao giờ trở thành hiện thực dưới sự lãnh đạo hiện nay của Google đối với Android. Ít nhất thì bạn cũng có thể bấu víu vào KWGT để bù đắp cho sự hời hợt của Google, nếu bạn sẵn sàng bỏ tiền và công sức tự thiết kế widget!
Tham khảo: AndroidCentral
Lấy link