Viên pin "khủng" nhất phân khúc
Thẳng thắn mà nói, viên pin dung lượng 6.000 mAh chính là điểm nhấn sáng nhất khi nhìn vào thông số kỹ thuật của mẫu smartphone mới nhà Realme. Trong khi pin các sản phẩm đối thủ đang loanh quanh con số 5.000 mAh thì việc chạm mốc đầu 6 sẽ tạo được sức hấp dẫn nhất định.
Thời lượng sử dụng lẫn thời gian chờ của Realme C12 thực sự ấn tượng với người đã quen dùng smartphone có pin dung lượng dưới 5.000 mAh như tôi. Hơn 3 ngày ở chế độ chờ với kết nối wifi và nhận thông báo từ ứng dụng, "em dế" này chỉ mất 16% pin, trái ngược hẳn với con số 5 - 7% mỗi đêm trên chiếc smartphone tôi đang sử dụng.
Trải nghiệm với các hoạt động sử dụng hằng ngày như lướt mạng xã hội, xem phim online, chơi game, Realme C12 cho kết quả khả quan với mức tiêu thụ pin tương đối tốt với cả hai loại kết nối phổ biến hiện nay là wifi và 4G. Việc có dùng được máy 2 hay thậm chí 3 ngày không cần sạc được hay không còn tùy thuộc mức độ "cày" của từng người nhưng điều đó là hoàn toàn có thể với mẫu điện thoại này.
Với mức giá 3,49 triệu đồng, không ngạc nhiên khi "hậu phương" đi kèm viên pin 6.000 mAh trên Realme C12 là củ sạc 5V - 2A. Đáng tiếc là máy không hỗ trợ bất kỳ công nghệ sạc nhanh nào nên dù bạn có dùng với củ sạc "xịn" hơn thì tốc độ sạc vẫn y chang.
Nếu thời gian dùng cực dài thì số giờ để nạp lại năng lượng cho mẫu smartphone này cũng ấn tượng chẳng kém, tất nhiên là theo chiều hướng tiêu cực. Vẫn chăm chú theo dõi thời gian sạc trên Realme C12 như bao sản phẩm khác từng đánh giá nhưng sau hơn 2,5 giờ mà phần trăm pin vẫn thủng thẳng ở mức 50%, tôi quyết định bỏ cuộc. Với điện thoại pin khủng mà không có sạc nhanh như thế này, thời gian lý tưởng nhất để sạc pin chính là "đêm dài vô tận".
Viên pin to trong một hình dáng thân quen
Thiết kế tổng thể Realme C12 vẫn thuộc mô tuýp chung của smartphone phân khúc phổ thông: màn hình giọt nước + khung viền, mặt lưng bằng nhựa. Cụ thể màn hình giọt nước kích thước 6,52 inch, độ phân giải HD+ chiếm gần trọn mặt trước của máy.
Khả năng hiển thị của màn hình này ở mức chấp nhận được với góc nhìn rộng và màu sắc có phần khá tươi tắn vốn là đặc sản của tấm nền IPS. Độ phân giải mặc dù chỉ đạt mức HD+ nhưng trải nghiệm tổng thể độ chi tiết không đến nỗi quá rỗ khi nhìn ở khoảng cách phù hợp. Xem phim, ảnh có thể không đã mắt nhưng việc đọc nội dung chữ vẫn đủ ổn. Điểm cần lưu ý là độ sáng tối đa của máy khá thấp nên việc nhìn nội dung ngoài trời sẽ có phần khó khăn.
Phần khung viền và mặt lưng vẫn được làm dạng cong dần về hai cạnh quá quen thuộc trên smartphone tới từ các hãng Trung Quốc những năm gần đây và cả dòng sản phẩm Galaxy A/M của Samsung. Để tạo nên chút khác biệt cần thiết cho sản phẩm, các nhà sản xuất tập trung vào tạo hình cụm camera sau, họa tiết và màu sắc ở mặt lưng. Tất cả điều đó bạn sẽ thấy đủ ở Realme C12.
"Cool ngầu" hơn các đối thủ vốn có camera xếp dọc hoặc ngang, Realme C12 sở hữu cụm camera vuông đúng trend thiết kế phổ biến trên dòng smartphone tầm trung đổ lên.
Mặt lưng của máy được hoàn thiện dạng nhám với rất nhiều các đường vân thẳng nhỏ đặt cạnh nhau. Cộng với cách phối màu thành ba mảng đậm nhạt, Realme C12 vừa đem lại cái nhìn hiện đại vừa sạch sẽ, dễ bảo quản hơn so với cách làm nhựa bóng bẩy trên một số sản phẩm đối thủ.
Điểm lạ là năm 2020 nhưng Realme chỉ trang bị cho sản phẩm của mình cổng Micro USB trong khi các đối thủ trực tiếp như Xiaomi Redmi 9, Vsmart Joy 3 đều đã dùng USB-C. Đây là điểm thua thiệt không đáng có cho một mẫu smartphone ra sau, đặc biệt yếu tố trang bị tốt trong tầm giá vốn là thế mạnh trước giờ của Realme.
Camera chất lượng ổn, đầy đủ tính năng chụp
Cụm camera chính 13MP + camera macro 2MP + cảm biến chiều sâu 2MP ở phía sau cùng ứng dụng chụp ảnh đầy đủ tính năng chụp như các sản phẩm cao hơn của Realme giúp mẫu smartphone này cho ra được những tấm ảnh chất lượng ổn áp.
Giao diện chụp ảnh trên Realme C12
Bức ảnh trong điều kiện đủ sáng cho độ chi tiết ở mức tốt, màu sắc chụp ra có phần rực rỡ nhờ tích hợp tính năng tối ưu hóa bối cảnh bằng AI.
Bối cảnh ngược sáng, chênh sáng mạnh được máy xử lý HDR khá tốt, chi tiết giữ được nhiều và màu sắc tương đối trung thực.
Là sản phẩm có mức giá "hạt dẻ" nên cụm camera chính của Realme C12 bắt đầu gặp nhiều khó khăn trong điều kiện thiếu sáng. Lúc này chế độ Đêm là "cứu cánh" để có được bức ảnh chất lượng tốt hơn. Dù góc chụp sẽ hẹp hơn bình thường một chút nhưng đó là đánh đổi cần thiết bởi tổng thể độ sáng, chi tiết của bức ảnh lúc này trông tốt hơn hẳn.
Ảnh chụp bằng chế độ tự động
Chế độ Đêm giúp ảnh có chất lượng tốt hơn hẳn
Có thêm camera macro 2MP, Realme C12 cho phép chụp cận cảnh, hữu ích với các chủ thể nhỏ. Ảnh thu được trong điều kiện đủ sáng chỉ ở mức trung bình khi các gam màu và chi tiết chưa thực sự tách bạch.
Camera trước 5MP vẫn xuất hiện đầy đủ các chế độ làm đẹp, chụp xóa phông, bộ lọc màu. Bức ảnh selfie chụp ra có chất lượng cao, giàu chi tiết và tất nhiên là không kém độ ảo diệu.
Hiệu năng phù hợp nhu cầu dùng cơ bản
Realme C12 được trang bị vi xử lý MediaTek Helio G35, 3GB RAM và 32GB bộ nhớ trong. Cấu hình này có phần tương đồng với đàn anh Realme C11, tuy nhiên dung lượng RAM được nâng thêm 1GB giúp khả năng chạy nhiệm tốt hơn. Các ứng dụng ngốn nhiều tài nguyên như Facebook, Chrome sẽ chạy trơn tru hơn cũng như việc mở lại các ứng dụng gần đây ít gặp hiện tượng phải load lại nhờ dung lượng RAM dồi dào.
So trực tiếp với đối thủ cùng phân khúc, sức mạnh xử lý của Realme C12 không thực sự nổi bật. Xiaomi Redmi 9 hay Vsmart Joy 3 đều cho hiệu suất xử lý tốt hơn trong các bài benchmark về CPU (Geekbench 5), GPU (3DMark) và sức mạnh tổng thể (PCMark).
Sức mạnh phần cứng không nổi trội nhưng đại diện từ Realme vẫn cho thấy khả năng đáp ứng vừa đủ cho các nhu cầu sử dụng, giải trí cơ bản. "Thử lửa" với tựa game MOBA phổ biến là Liên Quân Mobile, với thiết lập mặc định máy có thể xử lý tương đối trơn tru khi khung hình giao động ở mức 29 - 30 fps ngay ở các pha combat đông người. Nếu không là game thủ dạng hardcore leo rank cao thì chừng ấy cũng là đủ để bạn chơi vui cùng bạn bè.
Về phần mềm, Realme C12 sử dụng giao diện Realme UI 1.0 trên nền Android 10. Tôi đánh giá cao giao diện mang tính tối giản, gần giao diện Android gốc như này hơn so với thời điểm smartphone Realme còn dùng ColorOS. Không còn màu mè trong icon, hiệu ứng chuyển cảnh nên trải nghiệm dùng tổng thể trên mẫu điện thoại cấu hình không quá mạnh mẽ như Realme C12 vẫn đạt độ mượt mà cần thiết. Bên cạnh đó, các tính năng hiện đại như mở khóa bằng vân tay, điều hướng cử chỉ, Dark Mode vẫn xuất hiện đầy đủ trên sản phẩm này.
Realme C12 có "hợp cạ" với bạn?
Nhấn mạnh vào thời lượng sử dụng nhờ viên pin "khủng" 6.000 mAh, Realme C12 là lựa chọn đáng cân nhắc với một số đối tượng người dùng vốn yêu cầu tính bền bỉ và đáp ứng nhu cầu mức cơ bản. Tài xế xe ôm công nghệ, bậc phụ huynh cần thiết bị để đọc báo, gọi điện bằng ứng dụng OTT với con cháu hay các bạn học sinh, sinh viên muốn "cạ cứng" pin lâu là những người dùng ví dụ sẽ đánh giá cao trải nghiệm mẫu smartphone mới của Realme mang lại.
Lấy link