Tháng trước, hai nhà sản xuất điện tử lớn là Anker Innovations và Shenzhen Romoss Technology đã thu hồi tổng cộng 1,2 triệu sạc dự phòng tại Trung Quốc. Hai công ty này cảnh báo sản phẩm của họ có thể quá nhiệt và bốc cháy trong điều kiện khắc nghiệt.
Ngay sau đó, Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm hành khách mang sạc dự phòng không có chứng nhận Bắt buộc của Trung Quốc (CCC hay 3C) lên các chuyến bay nội địa, có hiệu lực từ ngày 28/6.
Đến ngày 7/7, sạc dự phòng của Romoss đã bị gỡ khỏi các trang thương mại điện tử lớn như Taobao và JD.com. Truyền thông địa phương cũng đưa tin công ty đã đình chỉ sản xuất. Nhiều người dùng phàn nàn trên mạng xã hội về việc phải chờ tới 30 ngày để được hoàn tiền.
Các cuộc gọi đến trụ sở chính của Romoss tại Thâm Quyến đã bị chuyển hướng đến dịch vụ khách hàng tại các cửa hàng mua sắm trực tuyến chính thức của hãng, nhưng những cửa hàng này hiện không còn hoạt động.
Sạc dự phòng Romoss gây ra đám cháy trên chuyến bay hồi tháng 3. Ảnh: thestandard Romoss trước đây từng tuyên bố lượng hàng xuất xưởng hàng năm vượt 50 triệu chiếc và công ty hiện diện mạnh mẽ ở Đông Nam Á và Nam Phi. Tính đến ngày 8/7, sạc dự phòng của hãng vẫn bày bán, dù được giảm giá mạnh, tại các nhà bán lẻ trực tuyến như Lazada ở Philippines.
Anker không bình luận ngay lập tức về tiến độ thu hồi của hãng tại Trung Quốc, dù sạc dự phòng Anker vẫn được bán rộng rãi trên các trang thương mại điện tử. Công ty này tạo ra gần một nửa doanh thu từ thị trường Bắc Mỹ. Vào tháng 6, Anker đã thu hồi ít nhất 1,1 triệu sạc dự phòng tại Mỹ và hơn 400.000 chiếc tại Nhật Bản.
Quan ngại về an toàn sạc dự phòng và các quy định mới
Sau nhiều sự cố bốc cháy trên máy bay, nhà chức trách ngày càng siết chặt quy định về an toàn với sạc dự phòng. Chẳng hạn, vào tháng 1, một đám cháy xảy ra ở sân bay ở Hàn Quốc; các nhà chức trách sau đó xác định nguyên nhân có thể là do sạc dự phòng.
Vào ngày 31/5, một sạc dự phòng dùng cho máy ảnh bốc cháy trên chuyến bay từ thành phố Hàng Châu của Trung Quốc, buộc máy bay phải quay đầu. Hai sự cố cháy sạc dự phòng bốc cháy trên các chuyến bay nội địa khác đã được báo cáo vào tháng 6.
Những lo ngại về an toàn liên quan đến sạc dự phòng cũng đã thúc đẩy các chính phủ trên khắp châu Á thực hiện các quy định chặt chẽ hơn về việc sử dụng.
Bắt đầu từ ngày 8/7, hành khách trên các hãng hàng không Nhật Bản không còn được phép để sạc dự phòng trong khoang hành lý phía trên và chỉ có thể sạc thiết bị ở những khu vực có thể được giám sát chặt chẽ. Vào tháng 3, Hàn Quốc đã thực hiện lệnh cấm tương tự đối với việc cất sạc dự phòng trong khoang hành lý phía trên.
Cũng trong tháng này, hai hãng hàng không Vietnam Airlines và Vietjet Air đều đã ra thông báo về việc hành khách không được sử dụng pin sạc dự phòng trên máy bay.
Theo đó, hành khách vẫn được mang pin dự phòng lên máy bay, nhưng phải lấy ra khỏi hành lý xách tay, để ở nơi dễ quan sát và không được sử dụng để sạc các thiết bị di động trong quá trình bay.
Trung Quốc là nước thống trị sản xuất pin lithium-ion toàn cầu, được sử dụng rộng rãi trong điện thoại thông minh và xe điện. Anker và Romoss không tự sản xuất pin lithium-ion mà nhập từ các nhà cung cấp bên thứ ba.
Đài truyền hình nhà nước CCTV hôm 6/7 đưa tin rủi ro bắt nguồn từ kim loại lạ lọt vào pin trong quá trình sản xuất, trích dẫn một cuộc điều tra của Cục Quản lý Nhà nước về Quy chế Thị trường. Các cơ quan quản lý đã đình chỉ hoặc thu hồi 74 giấy phép 3C của Apex, một nhà cung cấp cho Romoss, theo bản tin.
Ngày 25/6, Anker thông báo chuyển sang nhà cung ứng Amperex Technology Ld. (ATL) và đã ký hợp đồng mua 45 triệu cell pin lithium-ion từ công ty này.
Trung Quốc giới thiệu hệ thống chứng nhận 3C vào năm 2023 và bắt đầu từ tháng 8/2024, chỉ các sản phẩm mang dấu 3C mới được phép bán. Việc các loại pin tiềm ẩn rủi ro an toàn vẫn được cấp chứng nhận đã đặt ra những câu hỏi về độ tin cậy của quy trình phê duyệt.
Theo CCTV, tính đến ngày 3/7, tổng cộng 5.269 chứng nhận 3C đã bị đình chỉ và 343 chứng nhận khác đã bị thu hồi.
(Theo Nikkei, IndexBox)