Thỏa thuận hợp tác nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo -AI trong lĩnh vực an ninh mạng giữa Công ty cổ phần An ninh mạng SCS (SafeGate) và Viện Nghiên cứu và Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI4LIFE) thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội, vừa được ký kết ngày 15/4.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Đăng Chính, Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội, phụ trách viện AI4LIFE và Chủ tịch SafeGate Ngô Tuấn Anh ký kết thỏa thuận hợp tác. Ảnh: D.V Theo thoả thuận hợp tác, trong thời gian tới, hai đơn vị sẽ cùng nhau nghiên cứu, phát triển và tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo cho hệ thống an ninh mạng của SafeGate.
Trong giai đoạn trước mắt, SafeGate và AI4LIFE sẽ cùng nhau phát triển ứng dụng AI để phát hiện các tên miền, trang web lừa đảo, độc hại. Hệ thống này có khả năng tự động phát hiện các mối nguy và cập nhật hệ thống theo thời gian thực.
Theo thống kê, hiện tại hệ thống an ninh mạng của SafeGate đang xử lý khoảng 5 triệu lượt truy vấn an toàn mỗi ngày. Việc phát triển, tích hợp các cơ chế AI vào trong hệ thống sẽ giúp tự động phát hiện, phân loại, đưa ra cảnh báo và cập nhật danh sách theo thời gian thực.
Điều này sẽ không chỉ giúp tăng hiệu quả phát hiện mối nguy, mà còn góp phần giảm đáng kể khối lượng công việc xử lý theo cách truyền thống, từ đó tiết kiệm chi phí vận hành cho doanh nghiệp.
Đề cập về sự cần thiết hợp tác phát triển giải pháp an ninh mạng ứng dụng AI, lãnh đạo AI4LIFE và SafeGate đều thống nhất nhận định, sự phát triển của AI đã và đang mang đến nhiều lợi ích, song cũng tạo ra không ít mối nguy mới, đặc biệt là trong lĩnh vực an ninh mạng. Các cuộc tấn công mạng sử dụng công nghệ AI ngày càng gia tăng mạnh mẽ.
Tội phạm mạng sử dụng AI để tấn công vào các trang web, khai thác lỗ hổng và thực hiện các cuộc tấn công. Các công cụ AI có thể tạo ra mã độc mới, tự động làm gián đoạn các hệ thống và gây thiệt hại nghiêm trọng cho người dùng và các doanh nghiệp. Đặc biệt, công nghệ mới này còn được tội phạm mạng sử dụng để tạo ra các nội dung giả mạo, từ đó tạo ra các cuộc tấn công lừa đảo tinh vi.
Trong bối cảnh đó, thỏa thuận hợp tác tác nghiên cứu và ứng dụng AI trong lĩnh vực an ninh mạng giữa AI4LIFE của Đại học Bách khoa Hà Nội và SafeGate hướng tới phát triển các giải pháp hữu hiệu để ứng phó được với những cuộc tấn công mạng liên tục gia tăng và ngày càng khó lường.
Mặt khác, hợp tác mới ký kết cũng thể hiện cam kết mạnh mẽ của hai đơn vị trong việc phổ cập hóa ứng dụng AI vào bài toán thực tế, cụ thể là lĩnh vực an toàn, an ninh mạng cho doanh nghiệp và người dùng Việt Nam.
Việc tích hợp AI vào các giải pháp an ninh mạng cũng giúp các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, có thể tiếp cận với công nghệ tiên tiến để bảo vệ hệ thống của mình một cách hiệu quả và tiết kiệm chi phí.
Việc tích hợp AI vào các giải pháp an ninh mạng cũng giúp các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, có thể tiếp cận với công nghệ tiên tiến để bảo vệ hệ thống. Ảnh minh họa: D.V Chia sẻ tại lễ ký kết thỏa thuận hợp tác, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Đăng Chính, Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội, phụ trách viện AI4LIFE cho biết: Các giải pháp an ninh mạng của SafeGate có giá trị sử dụng và ý nghĩa xã hội khi hướng đến các nhóm khách hàng như doanh nghiệp vừa và nhỏ, tổ chức và cả các hộ gia đình.
Trong khi đó, Viện AI4LIFE được thành lập và tập hợp các thầy cô ở các lĩnh vực nghiên cứu liên ngành để nghiên cứu và phát triển các sản phẩm mang tính liên ngành và ứng dụng.
Triết lý phát triển của AI4LIFE là phát triển con người trên nền tảng khoa học, phát triển các sản phẩm có tính ứng dụng, hiệu quả. Điều này hoàn toàn phù hợp với các giải pháp bảo vệ an toàn cho mọi người và tích hợp nhiều công nghệ mới như SafeGate.
“Chúng tôi kỳ vọng hai bên sẽ cùng nhau hợp tác để phát triển ‘AI Make in Viet Nam based on Bach Khoa’ và tạo ra các sản phẩm, giải pháp có giá trị cho xã hội”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Đăng Chính nói.
Khẳng định doanh nghiệp mình luôn theo đuổi những bài toán xuất phát từ nhu cầu thực tế, Chủ tịch kiêm CEO SafeGate Ngô Tuấn Anh cho hay: “Việc giải quyết những bài toán thực tế này không chỉ giúp bảo vệ người dùng, mà còn tạo ra giá trị cho cả cộng đồng. Với việc tích hợp AI được nghiên cứu, phát triển tại Việt Nam, các giải pháp an ninh mạng thế hệ mới của chúng tôi sẽ hiện diện và bảo vệ được hàng chục triệu hộ gia đình và hàng triệu doanh nghiệp, góp phần xây dựng môi trường mạng an toàn, đáng tin cậy hơn”.