Tiêu chuẩn dẫn đường, đo lường là đánh giá, chất lượng là niềm tin

Tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng phải làm cho các tổ chức, doanh nghiệp thấy đây là đòn bẩy nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo uy tín cho họ thay vì là chi phí tuân thủ.


Báo VietNamNet giới thiệu toàn văn phát biểu của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng tại buổi làm việc của Bộ trưởng và lãnh đạo Bộ KH&CN với Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia (Bộ KH&CN), ngày 28/3.


BoTruong_KHCN_Nguyen_ManhHung (36 of 37).jpg
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng: Tiêu chuẩn là công cụ quan trọng, động lực thúc đẩy phát triển KHCN, ĐMST và CĐS. Ảnh: Thế Bằng

Triết lý về tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng


Tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng (TĐC) liên quan tới quan điểm về phát triển, quản trị và đổi mới của một quốc gia. Dựa vào quan điểm phát triển, quản trị và đổi mới của Đảng và Nhà nước mà làm TĐC.


TĐC phải làm cho các tổ chức, doanh nghiệp thấy đây là đòn bẩy nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo uy tín cho họ thay vì là chi phí tuân thủ.


TC là dẫn đường. Là phương tiện dẫn dắt, kéo doanh nghiệp, dẫn đường doanh nghiệp, dẫn đường quốc gia. TC không chỉ là khuôn khổ kỹ thuật, mà phái đóng vai trò định hướng phát triển công nghệ, sản phẩm, thị trường. Quốc gia muốn tới đâu thì dùng TC để dẫn quốc gia tới đó. Quy chuẩn là sàn, cần dựa trên thực tiễn Việt Nam để ban hành. TC là đỉnh, là cái phải tiến tới, cần dựa vào TC quốc tế để ban hành. Quản lý lĩnh vực này thì phải vừa nhìn gần vừa phải nhìn xa.


Phải xây dựng được văn hoá ra quyết định dựa trên dữ liệu, đo để ra quyết định, để cải tiến, đo là để cho mình ra quyết định đúng, cải tiến nâng cao chất lượng sản phẩm/dịch vụ của mình, không phải cho Nhà nước, không phải chi phí tuân thủ, mà nó giống như hoạt động nghiên cứu phát triển. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng

Đo lường để phục vụ cho đánh giá, ra quyết định, để chứng minh. Vì người châu Á chưa trọng số liệu, cảm tính nhiều, nên Nhà nước phải có vai trò lớn trong giai đoạn đầu về đo lường. Phải xây dựng được văn hoá ra quyết định dựa trên dữ liệu, đo để ra quyết định, để cải tiến, đo là để cho mình ra quyết định đúng, cải tiến nâng cao chất lượng sản phẩm/dịch vụ của mình, không phải cho Nhà nước, không phải chi phí tuân thủ, mà nó giống như hoạt động nghiên cứu phát triển. Xây dựng hệ sinh thái đo lường đáng tin cậy, dễ dàng tiếp cận, phục vụ mọi cấp ra quyết định, từ người dân, doanh nghiệp tới Nhà nước, mà Nhà nước phải là đầu tiên. Quy định mọi chính sách công đều phải có chỉ số đầu ra và công cụ đo lường. Hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận dễ dàng với dịch vụ đo lường-thử nghiệm-đánh giá đạt chuẩn quốc tế, với chi phí hợp lý.


Chất lượng tạo niềm tin. Chất lượng bao gồm đánh giá và thực thi quản lý chất lượng. Chất lượng là uy tín, là danh dự và tự hào (nhấn mạnh vào văn hoá trọng danh dự của người Việt Nam), là yếu tố cạnh tranh số 1, là sinh tồn của doanh nghiệp, là sự phát triển bền vững, là bảo vệ người tiêu dùng, cân bằng giữa tự nguyện và bắt buộc, xây dựng chất lượng phải từ khâu đầu tiên hình thành ra sản phẩm.


Phần dưới đây, khi nói về tiêu chuẩn (TC) hay tiêu chuẩn hoá (TCH) đều có ý là nói về tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng.


Tư tưởng cốt lõi về tiêu chuẩn hoá


TC là nền tảng kỹ thuật cho các hoạt động KT-XH, là một bộ phận của hệ thống thể chế quốc gia. TC đóng vai trò nền tảng và dẫn dắt trong công cuộc CNH, HĐH, trong hệ thống quản trị quốc gia và năng lực quản trị quốc gia.


TC là công cụ quan trọng, động lực thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo (ĐMST) và chuyển đổi số (CĐS). Ngược lại, phát triển KHCN, ĐMST và CĐS cũng sẽ giúp phát triển TCH.


Tiêu chuẩn hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới công nghệ cao, phát triển chất lượng cao, hiện đại hoá đất nước, thực hiện khát vọng hoá rồng. Quốc gia muốn phát triển theo hướng nào thì dùng tiêu chuẩn để dẫn dắt quốc gia theo hướng đó. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng

TC hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới công nghệ cao, phát triển chất lượng cao, hiện đại hoá đất nước, thực hiện khát vọng hoá rồng. TC hỗ trợ và thúc đẩy hội nhập.


Quốc gia muốn phát triển theo hướng nào thì dùng TC để dẫn dắt quốc gia theo hướng đó.


Bởi vậy, TC phải toàn diện, bao phủ tất cả 5 lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, bao phủ tất cả các ngành.


TC hoá thì lấy Nhà nước định hướng, thị trường là chủ đạo, doanh nghiệp là trung tâm, xã hội tham gia tích cực.


Chuyển đổi công tác TCH: Từ Nhà nước dẫn dắt sang cân bằng giữa Nhà nước và thị trường, đẩy mạnh xã hội hoá, mở rộng TC từ công nghiệp là chủ yếu sang toàn bộ nền kinh tế, chuyển từ số lượng sang chất lượng.


Nhằm vào mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển chất lượng cao, dựa trên KHCN, ĐMST và CĐS, thúc đẩy các mô hình phát triển mới, tăng trưởng kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.


Làm TC thì đầu tiên là làm TC cho ngành TĐC.


Chiến lược quốc gia đang tập trung vào đâu, trọng tâm của Đảng, Nhà nước đang tập trung vào đâu, xã hội có vấn đề nổi cộm gì thì TCH tập trung vào đó. Lúc này là: Tăng trưởng 2 con số; tăng trưởng chất lượng cao; tăng trưởng dựa trên KHCN, ĐMST và CĐS; làm chủ các công nghệ chiến lược; phát triển các ngành công nghiệp chiến lược; nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; nâng cao chất lượng cuộc sống người dân; tinh gọn bộ máy (giảm bộ, giảm tỉnh, giảm xã, bỏ huyện); giải quyết vấn đề của 2 đô thị có độ nén cao là HN và TPHCM; ô nhiễm môi trường; nhà máy điện hạt nhân; năng lượng xanh; nâng cao năng lực quản trị quốc gia; đào tạo nhân lực chất lượng cao.


Làm TC là để nó đi vào cuộc sống được. Vậy phải đo lường được việc này, TĐC phải coi đây là mục tiêu của TCH.


TCH là để góp phần phát triển đất nước, góp phần tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng cuộc sống người dân. Vậy, cũng phải đo lường được tác động này.


Xây dựng chỉ tiêu đầu ra cho mọi chính sách và đo lường, công bố công khai là yêu cầu của quản trị quốc gia.


Về mối quan hệ tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng


Tiêu chuẩn (TC) là đặt ra yêu cầu. Đo lường (ĐL) là thu thập dữ liệu liên quan đến TC. Chất lượng (CL) là đánh giá sự phù hợp TC và thực thi việc tuân thủ TC.


Thực ra còn một công đoạn nữa là cải tiến chất lượng.


Tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng là Plan-Do-Check-Act. Plan là làm tiêu chuẩn. Do là tạo ra sản phẩm/dịch vụ. Check là đo lường, đánh giá. Act là quản lý chất lượng (giám sát, xử lý, cải tiến). Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng

Nếu nhìn theo góc nhìn này thì TĐC là Plan-Do-Check-Act. Plan là làm TC. Do là tạo ra sản phẩm/dịch vụ. Check là đo lường, đánh giá. Act là quản lý chất lượng (giám sát, xử lý, cải tiến). Khi đó TĐC là một khâu khép kín, liên tục hoàn thiện. Nếu không tư duy theo cách này thì TĐC không bao giờ tốt lên được. TĐC hiện nay đang là các khâu rời rạc.


Về đo lường. Trong 3 khâu trên thì ĐL có lẽ là khâu yếu nhất. Hạ tầng về đo lường, thử nghiệm, kiểm định còn thiếu và yếu, nhất là ở địa phương. Đo lường hiệu quả chính sách là khâu rất yếu, còn sơ sài, mang tính hình thức nên rất thiếu dữ liệu tin cậy. Thiếu hoạt động đánh giá độc lập của bên thứ 3, thiếu niềm tin xã hội vào kết quả đánh giá. Doanh nghiệp ít sử dụng đo lường để đánh giá sản phẩm của mình, mà đánh giá cảm tính, trực quan là nhiều, ít dựa vào số liệu. Đây là đặc điểm văn hoá. Muốn sửa nó thì phải có cách. Thí dụ, các chỉ số đưa ra phải trực quan, gần gũi, dễ cảm nhận, như thời gian chờ khám bệnh trung bình dễ hiểu hơn chất lượng dịch vụ y tế. Tích hợp ĐL vào quy trình, vào trong hành động, để không thể làm tiếp nếu không tiến hành đo lường. Công bố chất lượng thông qua các con số đo lường. Truyền thông ĐL là để làm cho mình tốt lên, không phải cho quản lý nhà nước, không phải chi phí tuân thủ mà là chi phí NCPT.


Về chất lượng. Chất lượng thì ngoài đánh giá sự phù hợp, còn một khâu rất quan trọng là thực thi việc tuân thủ các TC (hoặc quy chuẩn) chất lượng đã được xác lập từ trước. Chất lượng liên quan nhiều đến người tiêu dùng, người dân. Việc bảo vệ người tiêu dùng phải là nội dung quan trọng trong Luật Chất lượng. Phải bảo vệ người tiêu dùng tốt hơn. Doanh nghiệp phải có cơ chế bồi thường rõ ràng nếu có lỗi. Cơ chế kiện tập thể khi có vi phạm lớn về chất lượng. Cân nhắc có quỹ bảo vệ người tiêu dùng.


Quản lý chất lượng là kiểm soát chất lượng. Tăng cường giám sát thực thi, kiểm tra chất lượng nghiêm hơn, siết chặt hàng hoá nhập khẩu, hàng trên sàn TMĐT, hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái. Nhà nước đầu tư hệ thống giám sát mạnh hơn, đặc biệt đối với các sản phẩm có rủi ro cao như thực phẩm, dược phẩm. Sàn TMĐT phải chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm bán trên sàn.


Xử lý vi phạm nghiêm minh hơn, nâng cao mức phạt để răn đe (hàng chục tỷ), vi phạm nghiêm trọng là phạt tù. Vi phạm nhiều lần là cấm kinh doanh, bổ sung hình phạt rút giấy phép kinh doanh, công khai danh sách doanh nghiệp vi phạm để bảo vệ người tiêu dùng.