Hành động đầu tiên thực hiện Nghị quyết 57 về phát triển KHCN, ĐMST và CĐS

.


Nghị quyết 57 nói thể chế của Việt Nam phải trở thành lợi thế cạnh tranh. Bởi vậy, Quốc hội phải đi tiên phong trong việc tạo ra bước đi đầu tiên để tháo gỡ thể chế cho lĩnh vực KHCN, ĐMST và CĐS quốc gia - đây là hành động đầu tiên để thực hiện Nghị quyết 57. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phân tích về Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia mà Quốc hội vừa thông qua ngày 19/2/2025.


Điểm tựa quan trọng để phát triển đất nước


Ngày 19/2, tại Hà Nội, 20 hội, hiệp hội, câu lạc bộ hoạt động trong ngành Công nghệ thông tin và Truyền thông (ICT) Việt Nam đã tổ chức “Gặp gỡ ICT Xuân Ất Tỵ 2025”.


Sự kiện gặp gỡ có chủ đề “Đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia” gắn với Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị, có sự tham dự của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng; các Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy, Lê Xuân Định, Hoàng Minh; các Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long, Bùi Hoàng Phương; và Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn.


W-gap go ICT dau xuan 2025 1.jpg
Cộng đồng ICT Việt Nam tặng hoa chúc mừng Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng được Đảng, Nhà nước và Quốc hội giao nhiệm vụ dẫn dắt Bộ KH&CN, bộ mới sau hợp nhất 2 bộ KH&CN (cũ) và TT&TT. Ảnh: Lê Anh Dũng

Sự hiện diện của các lãnh đạo Bộ TT&TT và Bộ KH&CN tại sự kiện “Gặp gỡ ICT Xuân Ất Tỵ 2025”, đã thể hiện cam kết đồng hành của cơ quan nhà nước với các tổ chức xã hội nghề nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ICT nước nhà.


Kể lại cuộc trò chuyện với Bí thư Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) Trần Cương vào chiều ngày 19/2, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng lưu ý với cộng đồng ICT Việt Nam về tầm quan trọng của KHCN với sự phát triển của một quốc gia, của việc truyền đi một thông điệp rõ ràng, mạnh mẽ về KHCN; quan điểm nhà nước phải đi đầu lập quỹ đầu tư mạo hiểm; nhà nước phải là khách hàng đầu tiên, hỗ trợ đầu ra cho đơn vị làm KHCN, ĐMST; người dùng AI sẽ thắng người không dùng AI, doanh nghiệp dùng AI thắng doanh nghiệp không dùng AI và quốc gia dùng AI sẽ phát triển hơn quốc gia không dùng AI.


W-gap go ICT dau xuan 2025 7.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Nghị quyết 57 truyền đi thông điệp mạnh mẽ là Việt Nam muốn trở thành nước phát triển có thu nhập cao thì phải dựa vào 3 trụ cột KHCN, ĐMST và CĐS. Ảnh: Lê Anh Dũng

Nhấn mạnh Nghị quyết 57 truyền đi thông điệp mạnh mẽ là Việt Nam muốn trở thành nước phát triển có thu nhập cao thì phải dựa vào 3 trụ cột KHCN, ĐMST và CĐS, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng chỉ ra những tư tưởng, tinh thần quan trọng của Nghị quyết này như: Tinh thần quyết liệt, "đánh là thắng" của quân đội; tinh thần khoán, giao mục tiêu cao nhưng không quản cách làm; tinh thần làm chủ công nghệ.


Tại sự kiện, lãnh đạo các hội, hiệp hội và doanh nghiệp công nghệ số đều bày tỏ sự tin tưởng rằng, Nghị quyết 57 sẽ tạo ra bước phát triển đột phá cho ngành và đất nước trong kỷ nguyên mới.


Theo ông Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam, Nghị quyết 57 đã thắp lên niềm hy vọng mới, việc thực hiện thành công Nghị quyết 57 chắc chắn sẽ tạo ra bước phát triển mới rất đột phá, ấn tượng cho KHCN Việt Nam, từ đó đem lại lợi ích to lớn cho cộng đồng KH&CN và cả nền kinh tế đất nước.


W-gap go ICT dau xuan 2025 2.jpg
Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam Nguyễn Quân: Việc thực hiện thành công Nghị quyết 57 chắc chắn sẽ tạo ra bước phát triển mới đột phá cho KHCN Việt Nam. Ảnh: Lê Anh Dũng

“Việc người đứng đầu Đảng ta làm Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 57, cũng là một cơ sở để chúng ta tin tưởng Nghị quyết quan trọng này có thể thành công, đi vào cuộc sống”, ông Nguyễn Quân nêu quan điểm.


Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam Nguyễn Thanh Thủy đánh giá: “Nghị quyết 57 được ban hành là một điểm tựa rất quan trọng cho cộng đồng ICT Việt Nam tiếp tục phát triển, nghiên cứu và triển khai ứng dụng công nghệ số để thúc đẩy kinh tế số, xã hội số và Chính phủ số, tạo ra bước nhảy vọt cho chuyển đổi số quốc gia”.


Ở góc độ doanh nghiệp, Chủ tịch CMC Nguyễn Trung Chính chia sẻ, Nghị quyết 57 cùng bài phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm ngày 2/9/2024 đã đưa đến cho các doanh nghiệp công nghệ số nhiều cảm xúc, như được tiếp thêm một năng lượng mới, niềm tin mới vào sự phát triển của đất nước trong giai đoạn mới, thời kỳ phát triển đất nước dựa trên KHCN, ĐMST và CĐS.


Trọng trách lớn của đội ngũ làm khoa học, công nghệ


Ngày 19/2, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.


Trao đổi với cộng đồng ICT Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Nghị quyết quan trọng, có tính cách mạng này, đã được xây dựng theo tinh thần thời chiến, tinh thần quân đội trong thời gian chỉ 1 tuần. Dự kiến, cũng chỉ sau 1 tuần, Chính phủ sẽ có hướng dẫn thực hiện Nghị quyết này. Tập trung vào những việc có thể làm được ngay, Nghị quyết mới được Quốc hội thông qua chính là hành động đầu tiên để thực hiện Nghị quyết 57.


Nghị quyết 57 nói thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn, cần phải được tháo gỡ trước. Nghị quyết 57 cũng nói thể chế của Việt Nam phải trở thành lợi thế cạnh tranh. Đây là nói đến thể chế cho những cái mới. Bởi vậy, Quốc hội phải đi tiên phong trong việc tạo ra bước đi đầu tiên để tháo gỡ thể chế cho lĩnh vực KHCN, ĐMST và CĐS quốc gia”, người đứng đầu ngành TT&TT phân tích.


Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, tinh thần của Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển KHCN, ĐMST và CĐS quốc gia chính là: “Nghẽn ở đâu, nghẽn cái gì mà kéo dài, nhất là những cái cấp bách thì gỡ ở đó. Cần đột phá ở đâu thì cho nó chính sách đặc biệt ở đó”.


Những cơ chế, chính sách đặc biệt được kỳ vọng sẽ đột phá cho KHCN, ĐMST và CĐS quốc gia trong Nghị quyết mới, cũng được Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ rõ với các nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp tham dự “Gặp gỡ ICT Xuân Ất Tỵ 2025”.


Đó là, cơ chế chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, không ra kết quả cũng không đòi lại chi phí nghiên cứu; miễn trách nhiệm dân sự khi xảy ra rủi ro.


Khoán chi trong thực hiện nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Đây cũng là tinh thần đổi mới cách quản lý, quản mục tiêu thay vì quản cách làm.


Có chính sách cho phép tổ chức nghiên cứu, dù là nghiên cứu từ tiền nhà nước, nhưng được sở hữu kết quả nghiên cứu để thương mại hóa, ai nghiên cứu thì người đó sở hữu kết quả. Khi thương mại hóa, người trực tiếp nghiên cứu được 30%, còn 70% cũng để lại cho tổ chức nghiên cứu. Lợi ích nhà nước thu được là khi kết quả nghiên cứu đi vào cuộc sống, tạo ra doanh thu, nhà nước sẽ thu được thuế.


Doanh nghiệp là "người chơi" chính trong phát triển công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu, ĐMST. Vì thế, nhà nước có chính sách kích thích mạnh mẽ các doanh nghiệp chi cho KHCN, cụ thể là doanh nghiệp chi cho KHCN sẽ được ưu đãi thuế.


W-gap go ICT dau xuan 2025 3.jpg
Tại “Gặp gỡ ICT Xuân Ất Tỵ 2025", Hội Tự động hóa Việt Nam, Hội Vô tuyến - Điện tử Việt Nam và Hội Tin học Việt Nam đã công bố thỏa thuận hợp tác gồm 6 nội dung hợp tác chính, trong đó có việc phối hợp tư vấn, phản biện trong quá trình triển khai Nghị quyết 57. Ảnh: Lê Anh Dũng

Về hạ tầng viễn thông, nhấn mạnh chính sách cho lĩnh vực này rất đặc biệt, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phân tích: Chúng ta cần mạng viễn thông phủ kín toàn quốc nhanh, nhưng doanh nghiệp chi “rón rén”, mỗi năm chỉ phát triển khoảng 5.000 trạm. Vì thế, lần đầu tiên, nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp đến 15% tổng giá trị đầu tư về 5G, nếu nhà mạng đó phát triển tối thiểu 20.000 trạm 5G trong năm 2025.


Nghị quyết của Quốc hội còn có chính sách phát triển các tuyến cáp viễn thông kết nối quốc tế trên biển, do doanh nghiệp viễn thông Việt Nam tham gia góp vốn hoặc là chủ đầu tư; cho phép sử dụng công nghệ mới là công nghệ vệ tinh tầm thấp ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa, với cơ chế thí điểm có kiểm soát dịch vụ viễn thông dùng công nghệ vệ tinh tầm thấp.


Để đẩy nhanh chuyển đổi số, Nghị quyết quy định cho phép các dự án chuyển đổi số giai đoạn 2025 - 2026 được chỉ định thầu. Nghị quyết này cũng quy định có ngân sách trung ương để làm các nền tảng số dùng chung toàn quốc.


“Các doanh nghiệp công nghệ số sẽ rất nhiều việc trong 2 năm tới”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ rõ.


w chip 5g viettel make in vn.jpg
Một trong những chính sách được đưa ra trong Nghị quyết mới được Quốc hội thông qua là hỗ trợ tài chính xây dựng nhà máy đầu tiên để phục vụ nghiên cứu, đào tạo và sản xuất chip bán dẫn. Ảnh minh họa: Trọng Đạt

Về công nghệ bán dẫn, nhà nước sẽ hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đầu tư xây dựng dự án nhà máy đầu tiên để chế tạo chip quy mô nhỏ, công nghệ cao phục vụ nghiên cứu, đào tạo, thiết kế, chế tạo thử, kiểm chứng công nghệ và sản xuất chip bán dẫn chuyên dụng của Việt Nam.


Khẳng định trọng trách, sự kỳ vọng của đất nước với đội ngũ người làm KHCN, ĐMST và CĐS là rất lớn, người đứng đầu Bộ TT&TT bày tỏ mong muốn các hội, hiệp hội thời gian tới sẽ tích cực hỗ trợ Bộ, ngành; đồng thời, đề xuất cần điều chỉnh để tên gọi sự kiện gặp gỡ đầu xuân có thể đại diện cho tất cả cộng đồng người làm KH&CN nước nhà.









Hanh dong dau tien thuc hien Nghi quyet 57 ve phat trien KHCN, DMST va CDS


.

Hành động đầu tiên thực hiện Nghị quyết 57 về phát triển KHCN, ĐMST và CĐS

.
Hành động đầu tiên thực hiện Nghị quyết 57 về phát triển KHCN, ĐMST và CĐS
www.tincongnghe.net
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá: