Đẩy nhanh chuyển đổi số các cửa hàng, hộ kinh doanh
Việc xây dựng và ban hành “Khung tiêu chí thí điểm và quy trình xác định nền tảng số xuất sắc thúc đẩy chuyển đổi số các doanh nghiệp, cửa hàng, hộ kinh doanh bán buôn, bán lẻ năm 2025”, là nhằm tiếp tục triển khai “Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” và Chương trình hỗ trợ cửa hàng bán lẻ chuyển đổi số.
Theo lý giải của Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ TT&TT), khái niệm “nền tảng số” được sử dụng trong khung tiêu chí mới ban hành, được hiểu là hệ thống thông tin có một số đặc điểm như: Là tập hợp phần cứng, phần mềm và cơ sở dữ liệu được thiết lập với chức năng, tính năng chính để phục vụ giao dịch điện tử, bảo đảm tính xác thực, tin cậy trong các giao dịch điện tử; tạo môi trường điện tử cho phép các bên thực hiện giao dịch hoặc cung cấp, sử dụng sản phẩm, dịch vụ hoặc sử dụng để phát triển sản phẩm, dịch vụ.
Đồng thời, giải quyết các bài toán cụ thể hỗ trợ chuyển đổi số cho các doanh nghiệp, cửa hàng, hộ kinh doanh bán buôn, bán lẻ; có thể sử dụng ngay, đơn giản, thuận tiện, linh hoạt theo yêu cầu, dễ dàng phổ biến trên diện rộng.
Để được xét công nhận là nền tảng số xuất sắc thúc đẩy chuyển đổi số các doanh nghiệp, cửa hàng, hộ kinh doanh bán lẻ năm 2025, các nền tảng số sẽ phải đáp ứng 16 tiêu chí cụ thể theo 5 nhóm. Ảnh minh họa: M.H Một mục tiêu của “Khung tiêu chí thí điểm và quy trình xác định nền tảng số xuất sắc thúc đẩy chuyển đổi số các doanh nghiệp, cửa hàng, hộ kinh doanh bán lẻ năm 2025”, là xây dựng bộ tiêu chí kỹ thuật, phi kỹ thuật để xét duyệt, công nhận các nền tảng số xuất sắc thúc đẩy chuyển đổi số các doanh nghiệp, cửa hàng, hộ kinh doanh bán buôn, bán lẻ năm 2025.
Cùng với đó, xây dựng quy trình và tổ chức thực hiện xét duyệt, công nhận, công bố và thu hồi công nhận các nền tảng số xuất sắc thúc đẩy chuyển đổi số các doanh nghiệp, cửa hàng, hộ kinh doanh bán buôn, bán lẻ năm nay.
Cụ thể, theo khung tiêu chí mới ban hành, để được công nhận là nền tảng số xuất sắc thúc đẩy chuyển đổi số các doanh nghiệp, cửa hàng, hộ kinh doanh bán lẻ năm 2025, các nền tảng số phải đáp ứng 16 tiêu chí cụ thể theo 5 nhóm gồm: Nhóm tiêu chí kỹ thuật của nền tảng số; nhóm tiêu chí về an toàn, an ninh mạng; nhóm tiêu chí yêu cầu chức năng, tính năng; nhóm tiêu chí về doanh nghiệp nền tảng số và các nguồn lực; nhóm tiêu chí về bảo đảm lợi ích cho doanh nghiệp, cửa hàng, hộ kinh doanh bán buôn, bán lẻ và hỗ trợ hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước.
Trong đó, ở nhóm tiêu chí yêu cầu chức năng, tính năng, Bộ TT&TT quy định cụ thể 12 giải pháp với nền tảng số phục vụ chuyển đổi số bán lẻ và 15 giải pháp đối với nền tảng số phục vụ chuyển đổi số bán buôn.
Doanh nghiệp nền tảng số sẽ phải cam kết đạt tối thiểu 50% các tiêu chí yêu cầu chức năng, tính năng và có lộ trình đảm bảo hoàn thiện các tính năng còn lại.
Để bảo đảm lợi ích cho doanh nghiệp, cửa hàng, hộ kinh doanh bán buôn, bán lẻ và hỗ trợ hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp nền tảng số sẽ phải cam kết mỗi nền tảng cung cấp tối thiểu 6 tháng sử dụng miễn phí các tính năng cơ bản cho các đơn vị.
Sẽ định kỳ đánh giá các nền tảng số xuất sắc
Theo quy trình mới được ban hành cùng khung tiêu chí, Bộ TT&TT sẽ công bố công khai các tiêu chí, chỉ tiêu đánh giá nền tảng số xuất sắc thúc đẩy chuyển đổi số các doanh nghiệp, cửa hàng, hộ kinh doanh bán buôn, bán lẻ năm 2025.
Các doanh nghiệp nền tảng số sẽ chủ động tham gia đánh giá sẽ gửi văn bản về Bộ TT&TT (qua Vụ Kinh tế số và Xã hội số), có kèm hồ sơ chứng minh phù hợp với khung tiêu chí.
Tiếp đó, Hội đồng đánh giá xác định thí điểm nền tảng số xuất sắc hỗ trợ chuyển đổi số doanh nghiệp, cửa hàng, hộ kinh doanh bán buôn, bán lẻ năm 2025 sẽ tổ chức đánh giá và gửi báo cáo kết quả đề nghị công nhận đến Bộ trưởng Bộ TT&TT chậm nhất sau 15 ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ.
Bộ TT&TT sẽ định kỳ hàng năm rà soát, cập nhật tiêu chí và tổ chức đánh giá lại với các nền tảng số xuất sắc thúc đẩy chuyển đổi số các doanh nghiệp, cửa hàng, hộ kinh doanh bán buôn, bán lẻ đã được công bố.
Lĩnh vực bán buôn, bán lẻ được nhận định không chỉ tạo ra hàng hóa cho nền kinh tế mà còn tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người lao động.
Theo thống kê, Việt Nam có 1,4 triệu cửa hàng tạp hóa, 9.000 chợ truyền thống, hơn 54.000 doanh nghiệp bán lẻ cùng gần 209.000 doanh nghiệp bán buôn.
Theo cơ quan thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, năm 2024, lần đầu tiên Việt Nam đã tìm ra mô hình thúc đẩy phát triển kinh tế số. Mô hình đã được thí điểm thành công theo Chương trình hỗ trợ cửa hàng bán lẻ chuyển đổi số tại quận Phú Nhuận (TP HCM). Bộ TT&TT và Bộ Công Thương đã ký kết biên bản hợp tác để triển khai mô hình này trên toàn quốc.
Cùng với đó, lần đầu tiên, Bộ TT&TT đã ban hành công cụ và hướng dẫn các tỉnh, thành phố đo lường tỷ trọng kinh tế số trong GRDP để thúc đẩy phát triển kinh tế số địa phương.
Việt Nam là một trong số rất ít các quốc gia có hướng dẫn đo lường tỷ trọng kinh tế số ở cấp địa phương. Bộ TT&TT cũng đã ban hành hướng dẫn các địa phương thúc đẩy phát triển kinh tế số.
Hội đồng đánh giá xác định thí điểm nền tảng số xuất sắc hỗ trợ chuyển đổi số doanh nghiệp, cửa hàng, hộ kinh doanh bán buôn, bán lẻ năm 2025 cũng đã được Bộ TT&TT thành lập, với Chủ tịch Hội đồng là lãnh đạo Viện Công nghệ số và Chuyển đổi số quốc gia. Hội đồng có trách nhiệm tổ chức đánh giá và công nhận nền tảng số đạt điều kiện tham gia “Kế hoạch thí điểm khảo sát, đánh giá và thúc đẩy mức độ chuyển đổi số các doanh nghiệp, cửa hàng, hộ kinh doanh bán buôn, bán lẻ năm 2025”. |