Nhà mạng Vodafone mới đây tuyên bố thực hiện cuộc gọi video vệ tinh đầu tiên trên thế giới tại khu vực không có sóng di động.
Trước đó, hãng viễn thông T-Mobile thử nghiệm dịch vụ cho phép khách hàng kết nối qua hơn 300 vệ tinh từ mạng Starlink của Elon Musk.
Sự xuất hiện của điện thoại vệ tinh được xem là cuộc cách mạng quan trọng nhất trong liên lạc di động hàng thập kỷ, ngay cả khi những tuyên bố lạc quan của nhà mạng về công nghệ này bị hoài nghi.
Các nhà mạng toàn cầu đang muốn tiếp cận người dùng tại những khu vực chưa được tiếp cận sóng di động bằng công nghệ vệ tinh. Ảnh: Shutterstock Nhà mạng muốn dùng công nghệ vệ tinh để xóa các vùng lõm sóng – những nơi xây dựng tháp di động hoặc mạng cáp quang không khả thi. Ước tính, khoảng 350 triệu người trên toàn cầu không được tiếp cận băng rộng di động.
Khác với điện thoại vệ tinh của thập niên 90, thường to như “cục gạch”, vệ tinh ngày nay có thể truyền trực tiếp đến smartphone hiện đại.
Chia sẻ với Financial Times, CEO Vodafone Margherita Della Valle cho biết, vệ tinh sẽ mang dịch vụ băng rộng di động trọn vẹn đến những nơi họ chưa bao giờ tiếp cận, gồm cả trên biển.
Hãng tư vấn không gian Novaspace ước tính thị trường sẽ phát sinh doanh thu lên tới 42 tỷ USD trong thập kỷ tiếp theo. Triển vọng này đã thu hút đầu tư lớn vào công nghệ vệ tinh trong những năm gần đây.
Năm 2022, Apple bắt đầu gia nhập cuộc đua khi ký thỏa thuận với Globalstar, cung cấp dịch vụ nhắn tin khẩn cấp trên iPhone tại những khu vực không có sóng di động. “Táo khuyết” đã đầu tư 1,7 tỷ USD vào Globalstar.
Trong khi đó, dịch vụ của Vodafone dựa trên mạng vệ tinh Bluebird khổng lồ của AST SpaceMobile. Theo Chủ tịch AST SpaceMobile Scott Wisniewski, họ đã huy động được 460 triệu USD và được rót vốn hơn 2 tỷ USD.
Dù vậy, với tất cả sự phấn khích, các chuyên gia đồng tình rằng kết nối vệ tinh đến điện thoại di động sẽ không đủ tốt để thay thế dịch vụ di động truyền thống.
Ủy ban thương mại New Zealand năm ngoái đã đưa nhà mạng One NZ ra tòa vì phóng đại hiệu quả của Starlink.
Dù cuộc gọi video của Vodafone là thành tựu công nghệ, câu hỏi đặt ra là họ có thể mang dịch vụ tốn dữ liệu như vậy đến nhiều người dùng một cách ổn định hay không.
Kết nối vệ tinh đến di động sẽ có tốc độ thấp hơn đáng kể mạng mặt đất, chưa kể thiết bị phải trong phạm vi vệ tinh hoạt động và gặp khó khăn khi truyền dữ liệu xuyên qua các tòa nhà hay tán lá rậm rạp.
Theo Mike Thompson, Giám đốc hãng tư vấn Access Partnership, các vệ tinh cách xa hàng trăm km trong khi trạm gốc có thể chỉ cách người dùng chưa tới 1.000m.
Tuy nhiên, nó sẽ hữu ích trong những tình huống chỉ cần kết nối tối thiểu như khi thực hiện nhiệm vụ cứu hộ thảm họa.
Tim Hatt, Giám đốc nghiên cứu và tư vấn tại GSMA Intelligence, nhận xét, theo thời gian, nhà cung cấp vệ tinh sẽ bổ sung dung lượng, tốc độ sẽ cải thiện nhưng vẫn thấp hơn mạng mặt đất.
Bên cạnh đó, nó sẽ cần đến phổ tần vô tuyến vốn đã khan hiếm. Phổ tần sẽ là “thách thức lớn nhất trong việc tạo ra hệ sinh thái trực tiếp từ vệ tinh đến thiết bị”, theo Gökhan Tok, Quản lý cấp cao về không gian và kết nối tại Access Partnership.
Chi phí của dịch vụ cũng là một trở ngại vì chưa rõ khách hàng có sẵn sàng chi trả không. Vodafone chưa thông báo giá cước dịch vụ vệ tinh của mình.
Apple cung cấp miễn phí dịch vụ nhắn tin khẩn cấp cho tất cả iPhone đời mới, còn CEO T-Mobile gợi ý họ sẽ tích hợp dịch vụ vào gói thuê bao cao cấp.
(Theo FT)