Chiều 13/2, Sở TT&TT An Giang đã tổ chức “Hội nghị tổng kết ngành thông tin và truyền thông năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025”.
Theo đó, năm 2024, ngành thông tin và truyền thông An Giang tiếp tục phát triển, từng bước khẳng định vị trí của ngành trong sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng của tỉnh.
Sở TT&TT đã tham mưu tốt công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực thông tin và truyền thông.
Cụ thể, về thông tin, tuyên truyền, các hoạt động được quản lý chặt chẽ và định hướng kịp thời cho các cơ quan báo chí và hệ thống thông tin cơ sở, góp phần quảng bá hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh của tỉnh ra bên ngoài.
Lĩnh vực bưu chính, tỉnh có 26 doanh nghiệp đang hoạt động với 265 điểm cung cấp các dịch vụ bưu chính, chuyển phát. Trong năm 2024, tỉnh đã tổ chức thành công Lễ phát hành tem bưu chính "Kỷ niệm 200 năm hoàn thành kênh Vĩnh Tế".
Về viễn thông, hiện An Giang có 12 doanh nghiệp đang hoạt động, năm 2024, tỉnh đã thực hiện tắt sóng 2G và phát triển mạng 5G theo đúng lộ trình của Bộ TT&TT; hạ tầng mạng băng thông rộng cáp quang phủ đến hộ gia đình, đến xã đạt 100%.
Công tác chuyển đổi số tiếp tục được tăng cường triển khai, hiện nay, hạ tầng số được đầu tư cơ bản đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.
Tính đến ngày 13/11/2024, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính An Giang đã cung cấp 2.206 dịch vụ công.
Trong đó, dịch vụ công trực tuyến một phần có 742 dịch vụ; dịch vụ công trực tuyến toàn trình có 937 dịch vụ; Tỷ lệ giải quyết hồ sơ trước hạn và đúng hạn đạt 97,6%.
An Giang đã thực hiện đồng bộ 100% dịch vụ công trực tuyến một phần và toàn trình của tỉnh (1.140 dịch vụ) trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Giám đốc Sở TT&TT An Giang Lê Quốc Cường phát biểu tại hội nghị. Ảnh: angiang.gov.vn Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh An Giang, phát biểu tại hội nghị, Giám đốc Sở TT&TT An Giang Lê Quốc Cường cho biết, năm 2024, công tác quản lý nhà nước về thông tin và truyền thông tại tỉnh An Giang đã có những chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả, thành tựu đáng kể, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự xã hội tại địa phương.
Năm 2025, ngành thông tin và truyền thông tỉnh An Giang phấn đấu hoàn thành 100% chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm của ngành đề ra trong năm 2025; Phấn đấu hoàn thành sớm chỉ tiêu 90% cơ quan nhà nước hoàn thiện chính quyền điện tử.
Tập trung triển khai Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết số 03/NQ-CP về Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị trên địa bàn tỉnh An Giang; triển khai hiệu quả chương trình chuyển đổi số tỉnh An Giang, Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh An Giang đến năm 2025, Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ; đặc biệt, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu cơ quan nhà nước các cấp hoàn thiện chính quyền điện tử.
Đẩy mạnh phát triển kinh tế số và xã hội số góp phần vào tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh; triển khai các giải pháp kích cầu tiêu dùng số, đo lường kinh tế số theo ngành và địa phương, đồng thời phát huy vai trò doanh nghiệp công nghệ dẫn dắt trong chuyển đổi số; tạo điều kiện để tăng trưởng dịch vụ bưu chính phục vụ phát triển thương mại điện tử.
Triển khai hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 – 2025 của ngành thông tin và truyền thông trong năm 2025. Phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng số, công nghệ số trên nguyên tắc "hiện đại, đồng bộ, an ninh, an toàn, hiệu quả, tránh lãng phí"; đẩy mạnh triển khai sóng mạng 5G và hướng đến mục tiêu tỷ lệ trạm 5G bằng 50% số trạm 4G hiện có trên địa bàn tỉnh.