Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Laurent Saint-Martin, Bộ trưởng Phụ trách Thương mại Ngoại giao và Người Pháp ở nước ngoài nhấn mạnh, Đông Nam Á đang trở thành một trong những khu vực kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới. Trong đó, Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng ấn tượng nhất, với vai trò cầu nối giữa ASEAN và EU nhờ tham gia 17 hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là EVFTA và IPA, mở ra cơ hội lớn cho hợp tác kinh doanh và đầu tư.
Đồng chủ trì diễn đàn, Thứ trưởng Bộ TT&TT Bùi Hoàng Phương đã có bài phát biểu đánh giá cao tầm quan trọng của sự kiện, coi đây là hoạt động thiết thực để kết nối, củng cố và tăng cường hợp tác giữa ASEAN, trong đó có Việt Nam với Pháp. Đồng thời, ông bày tỏ kỳ vọng có sự gia tăng đầu tư từ các tập đoàn và doanh nghiệp hàng đầu của Pháp vào Việt Nam và khu vực ASEAN trong thời gian tới.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Bùi Hoàng Phương cũng cho biết, Việt Nam sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên và nguồn nhân lực dồi dào. Là một trong 16 quốc gia đông dân nhất và là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, Việt Nam có lực lượng lao động khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) năng động và có tay nghề cao, được trang bị tốt để đáp ứng nhu cầu của các ngành khoa học và công nghệ.
Cùng với lãnh đạo các cơ quan phát triển kinh tế, Diễn đàn Kinh doanh Đông Nam Á lần thứ ba đã quy tụ gần 200 đại diện doanh nghiệp Pháp, Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á, tập trung vào các lĩnh vực chủ chốt như: cách tiếp cận chuỗi giá trị các nước Đông Nam Á; chuyển đổi năng lượng xanh bền vững; xu hướng tiêu dùng mới; giao thông và logistics; cơ hội kinh doanh trong kỷ nguyên đổi mới sáng tạo và trí tuệ nhân tạo.
"Ngôi sao" đang lên của Đông Nam Á
Tại sự kiện, các chuyên gia kinh tế nhận định Việt Nam đang là ngôi sao đang lên của khu vực Đông Nam Á, với tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ và là điểm đến hấp dẫn của đầu tư nước ngoài, giữa bối cảnh thế giới có nhiều biến động.
Trong đó, nhiều doanh nghiệp Pháp bày tỏ quan tâm đến việc đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực chuyển đổi số, AI, sản xuất bán dẫn, năng lượng tái tạo và hạ tầng giao thông. Pháp hiện có hơn 300 doanh nghiệp đang đầu tư tại Việt Nam, trong đó có các tập đoàn lớn như Airbus, Total, EDF, Schneider Electric, Sanofi… Tuy nhiên, tiềm năng hợp tác vẫn còn rất lớn và cần được khai thác mạnh mẽ hơn.
Bà Chu Thị Thanh Hà, Chủ tịch FPT Software cho biết, FPT đã có hơn 20 năm hợp tác với các đối tác Pháp, trong đó có nhiều tập đoàn lớn như Airbus, Canal+, cung cấp giải pháp công nghệ và dịch vụ số. Hiện FPT đang hợp tác với CEA-LETI, trung tâm nghiên cứu vi điện tử hàng đầu của Pháp, để thúc đẩy nghiên cứu và sản xuất bán dẫn, mở ra cơ hội hợp tác sâu rộng hơn trong lĩnh vực công nghệ cao.
Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương nhấn mạnh các lợi thế đặc biệt của Việt Nam như chính trị ổn định, quyết tâm cao của lãnh đạo Việt Nam trong thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; vị trí địa lý thuận lợi là cửa ngõ vào ASEAN... góp phần không chỉ thúc đẩy quan hệ hợp tác với Pháp, mà còn có thể đóng góp vào việc thúc đẩy quan hệ giữa các nước ASEAN với Pháp nói chung.
"Chúng tôi luôn hoan nghênh các doanh nghiệp và nhà đầu tư đến hợp tác, kinh doanh lâu dài và cam kết luôn là đối tác tin cậy, đảm bảo môi trường chính sách ổn định, ưu tiên tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư Pháp và EU phát triển bền vững, cùng có lợi, đạt hiệu quả cao nhất, đặc biệt là trong các hợp tác đầu tư phát triển hạ tầng số, công nghệ số, đặc biệt là AI, góp phần tạo động lực phát triển mạnh mẽ cho khu vực và thế giới", Thứ trưởng cho biết.
Quan hệ Việt - Pháp hiện có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh mẽ hơn, đặc biệt sau khi hai nước nâng cấp lên Đối tác chiến lược toàn diện trong chuyến thăm chính thức Pháp của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm vào tháng 10/2024. Hai bên đang mở rộng hợp tác trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là công nghệ cao, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo (AI), năng lượng tái tạo và hạ tầng giao thông.
Trước đó, Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương đã dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Hành động về AI do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi chủ trì, quy tụ nhiều lãnh đạo cấp cao và các tập đoàn công nghệ lớn như OpenAI, Microsoft, Google.
Hội nghị tại Paris tập trung vào năm chủ đề quan trọng: AI vì lợi ích công cộng, việc làm, đầu tư, đạo đức và quy định. Với hàng loạt thông báo đầu tư vào AI được công bố, hội nghị năm nay đánh dấu một bước chuyển từ các cuộc thảo luận về an toàn sang các hành động cụ thể. Sự tham gia của Việt Nam khẳng định vai trò tích cực trong cộng đồng AI quốc tế, mở ra cơ hội hợp tác, học hỏi và ứng dụng AI vào phát triển kinh tế - xã hội trong nước.
Hơn 60 quốc gia đã ra tuyên bố chung về trí tuệ nhân tạo, nhấn mạnh việc tăng cường phối hợp trong quản lý AI và ngăn chặn tình trạng độc quyền thị trường để AI dễ tiếp cận hơn, nêu bật nhu cầu phải đạt tiến triển trong đảm bảo tính bảo mật và độ tin cậy của AI, trong đó AI “bền vững” với xã hội và thế giới phải là ưu tiên hàng đầu.