Bộ TT&TT đề xuất chính sách đặc biệt để phát triển khoa học, công nghệ

Nhiều đề xuất quan trọng, đột phá đã được Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nêu ra tại Hội nghị phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.


Chiều 11/2, tại trụ sở Chính phủ đã diễn ra Hội nghị phát triển khoa học công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo (ĐMST) và nhân lực chất lượng cao thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trực tiếp chủ trì Hội nghị.


Hội nghị lần này nhằm thảo luận các nhiệm vụ, giải pháp góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên, tạo đà, tạo thế, tạo lực cho những năm tiếp theo đạt tăng trưởng 2 con số.


Hội nghị cũng nhằm triển khai Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 57, tinh thần là rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm.


KHCN, ĐMST, chuyển đổi số là ưu tiên hàng đầu


Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ, muốn tăng trưởng phải tăng năng suất lao động, trên cơ sở phát triển KHCN, ĐMST, chuyển đổi số, nhân lực chất lượng cao. Giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu. Đầu tư cho khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo là đầu tư cho phát triển.


Thu tuong.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ảnh: Nhật Bắc

Chương trình hành động của Chính phủ đã nêu 7 nhóm nhiệm vụ với 142 nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, cơ quan, địa phương. Tới đây, cần đưa KHCN, ĐMST, chuyển đổi số và nhân lực chất lượng cao thực sự là yếu tố đột phá, động lực chủ yếu cho tăng trưởng kinh tế, phát triển đất nước nhanh, bền vững.


Thủ tướng nhấn mạnh, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu, tất cả các ngành các cấp, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc đồng bộ.


Không dừng lại ở các cơ quan Nhà nước, các đại học, viện nghiên cứu mà các doanh nghiệp cũng phải tiên phong, mọi người dân phải tham gia, lấy người dân làm trung tâm, chủ thể trong quá trình này.


Việt Nam cần nguồn nhân lực sáng tạo, hiện đại để phát triển


Chia sẻ về các thành tựu nổi bật của KHCN, ĐMST đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, việc triển khai rộng rãi Đề án 06 đã giúp đẩy nhanh quá trình xây dựng hạ tầng số, phục vụ cho Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.


Những thành tựu KHCN hiện đại cũng được ứng dụng hiệu quả, đóng góp trực tiếp vào các ngành kinh tế trọng điểm. Lĩnh vực nông nghiệp đã ứng dụng nhiều công nghệ cao giúp tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, tăng kim ngạch xuất khẩu.


Ở mảng y tế và chăm sóc sức khỏe, Việt Nam đã làm chủ được công nghệ sản xuất vắc xin và thiết bị y tế, phát triển các kỹ thuật điều trị tiên tiến. Đối với lĩnh vực quốc phòng, an ninh, Việt Nam đã chủ động nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ nhằm hiện đại hóa các trang thiết bị.


Thu tuong 2.jpg
Hội nghị phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ảnh: Nhật Bắc

Chính phủ đã chủ động thúc đẩy các ngành công nghệ cao mới nổi, phù hợp xu hướng của thế giới. Trong đó, ngành công nghiệp bán dẫn đang trở thành lĩnh vực quyết định lợi thế cạnh tranh về công nghệ của nhiều quốc gia.


Chỉ trong thời gian ngắn, Việt Nam đã tạo được những bước đi ấn tượng trong việc hợp tác về bán dẫn với các nền kinh tế như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), châu Âu… và các tập đoàn công nghệ lớn như Cadence, Intel, Qorvo, Apple, Marvell, Samsung, Synopsys. Việt Nam cũng được Hoa Kỳ chọn là 1 trong 6 quốc gia tham gia Đạo luật Chips để phát triển chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.


Bên cạnh bán dẫn, lĩnh vực trí tuệ nhân tạo đang dẫn dắt những thay đổi đột phá trên thế giới. Trong xu thế đó, Việt Nam đã hợp tác với tập đoàn NVIDIA để hình thành trung tâm nghiên cứu AI tại Việt Nam.


Microsoft, Google, Qualcomm, Meta cũng đã tăng cường hợp tác nghiên cứu, ứng dụng AI tại Việt Nam. Các tập đoàn trong nước như Viettel, VinGroup, FPT, CMC,... cũng chủ động, tích cực triển khai đồng bộ các dự án, hoạt động nghiên cứu, phát triển về AI.


Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, để tạo ra những chuyển biến, kết quả trong phát triển KHCN, ĐMST, cần nguồn nhân lực chất lượng cao dồi dào, có kỹ năng hiện đại, tư duy sáng tạo và khả năng làm việc cường độ cao.


Đây sẽ là yếu tố then chốt, sống còn, quyết định sự thành công của cuộc cách mạng toàn diện, sâu sắc, thực hiện mục tiêu đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh, thịnh vượng trong kỷ nguyên mới.


Đề xuất đột phá để phát triển khoa học, công nghệ Việt Nam


Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, Việt Nam cần các động lực tăng trưởng mới đến KHCN, ĐMST và chuyển đổi số. Đây là động lực chính để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, cải thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu.


KHCN chỉ có thể đóng góp vào tăng trưởng kinh tế nếu như các kết quả nghiên cứu được thương mại hóa. Để thúc đẩy thương mại hóa, kết quả nghiên cứu nên thuộc sở hữu của các cơ sở nghiên cứu. Để kích thích sự sáng tạo của các nhà khoa học, kỹ sư, nên cho họ hưởng một phần khoảng từ 30-50% kết quả thương mại hóa”, Bộ trưởng Bộ TT&TT nói.


78f27dd1 0358 4d7f b29e 666eb9c8ecdd.jpg
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đề xuất chính sách đặc biệt để phát triển khoa học, công nghệ. Ảnh: Nhật Bắc

Theo Bộ trưởng, nghiên cứu là làm việc chưa biết, chưa có, do vậy phải theo một cơ chế khác. Hãy để viện nghiên cứu chi đồng tiền mà họ nhận được từ Nhà nước theo cơ chế chi của doanh nghiệp, cơ chế khoán. Nhà nước quản theo kết quả nghiên cứu, tức là quản theo mục tiêu, thay vì quản cách làm, quản quy trình.


Trường đại học phải trở thành trung tâm nghiên cứu. Để làm được điều này, đại học cần một thỏi nam châm là các phòng thí nghiệm. Vậy Nhà nước cần có một chương trình lớn, đầu tư phòng thí nghiệm trọng điểm cho các trường đại học.


Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng kiến nghị, năm 2025, nên dành 5.000 tỷ đồng cho việc đầu tư các phòng thí nghiệm trọng điểm trong đại học. Nếu làm việc này liên tục trong 5 năm, sẽ thay đổi căn bản hạ tầng nghiên cứu của các trường đại học.


Để phát triển KHCN, ĐMST và chuyển đổi số, các doanh nghiệp lớn phải tiên phong. Trước hết, Nhà nước cần giao cho họ những nhiệm vụ lớn, các dự án trọng điểm quốc gia, giúp họ phát triển và làm chủ công nghệ chiến lược, thay vì để doanh nghiệp nước ngoài dẫn dắt. Đây cũng là mục tiêu của Nghị quyết 57, hướng đến việc hình thành 5 tập đoàn công nghệ số lớn ngang tầm thế giới vào năm 2025.


Các doanh nghiệp lớn phải đi đầu trong ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số. Điều này không chỉ nâng cao năng suất lao động, năng lực quản trị và cạnh tranh mà còn tạo thị trường cho các doanh nghiệp công nghệ trong nước, góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP.


Các tập đoàn thương mại dịch vụ cần chuyển dịch thành các tập đoàn công nghệ - công nghiệp - thương mại, bởi chỉ khi phát triển công nghệ và công nghiệp, Việt Nam mới có thể vượt qua bẫy thu nhập trung bình.


Các doanh nghiệp công nghệ lớn cần vươn ra thị trường quốc tế để nâng cao năng lực cạnh tranh, khẳng định vị thế, chinh phục thế giới.


Tại Hội nghị, Bộ TT&TT đề xuất với Chính phủ trình Quốc hội thông qua một số chính sách đặc biệt như cho phép chỉ định thầu các dự án chuyển đổi số 2 năm 2025-2026, tăng ngân sách chi thường xuyên cho thuê dịch vụ CNTT, đầu tư trung tâm điện toán đám mây dùng chung để hỗ trợ các dự án chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương.


Bộ TT&TT cũng đề xuất xây dựng trung tâm tính toán AI, hỗ trợ thuế 30% tổng giá trị đầu tư nhà máy sản xuất bán dẫn đầu tiên ở Việt Nam, hỗ trợ thuế 15% giá trị đầu tư 5G nếu ngay trong năm 2025 các nhà mạng phủ sóng 5G sâu rộng toàn quốc.









Bo TT&TT de xuat chinh sach dac biet de phat trien khoa hoc, cong nghe


Nhieu de xuat quan trong, dot pha da duoc Bo truong Bo TT&TT Nguyen Manh Hung neu ra tai Hoi nghi phat trien khoa hoc cong nghe, doi moi sang tao va nhan luc chat luong cao thuc day tang truong kinh te.

Bộ TT&TT đề xuất chính sách đặc biệt để phát triển khoa học, công nghệ

Nhiều đề xuất quan trọng, đột phá đã được Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nêu ra tại Hội nghị phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Bộ TT&TT đề xuất chính sách đặc biệt để phát triển khoa học, công nghệ
www.tincongnghe.net
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá: