Đây là một trong những nội dung UBND tỉnh Bình Dương yêu cầu Sở TT&TT đề nghị các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn thực hiện nghiêm túc để phòng, chống tội phạm sử dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ deepfake thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Ảnh có tính chất minh hoạ. UBND tỉnh Bình Dương vừa có văn bản chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn tăng cường đấu tranh phòng, chống tội phạm sử dụng phần mềm AI, công nghệ deepfake để thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Theo đó, thời gian gần đây trên địa bàn cả nước nói chung và địa bàn tỉnh Bình Dương nói riêng phát hiện nhiều vụ việc các đối tượng sử dụng phần mềm AI, công nghệ deepfake để cắt, ghép hình ảnh của các cá nhân, đặc biệt là các cán bộ, công chức, viên chức đang làm việc tại các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, những người có địa vị, uy tín trong xã hội, để đưa vào các hình ảnh, đoạn phim ngắn (video clip) có nội dung nhạy cảm; sau đó chúng gửi tin nhắn SMS, tin nhắn qua mạng xã hội, gửi thư điện tử hoặc gửi thư qua đường bưu chính nhằm mục đích đe doạ, tống tiền, hạ uy tín, ly gián nội bộ của ta trước kỳ Đại hội Đảng các cấp.
Bộ Công an xác nhận đây là tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia, với thủ đoạn tinh vi; chúng thường xuyên thay đổi địa điểm, phương tiện, thiết bị và cách thức hoạt động để chủ động đối phó với lực lượng công an, gây khó khăn cho công tác đấu tranh, xử lý.
Trước diễn biến phức tạp của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua mạng viễn thông và mạng Internet nói chung, tội phạm sử dụng phần mềm AI, deepfake nói riêng, nhằm chủ động phát hiện, đấu tranh, kịp thời ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh, nhất là thời điểm chuẩn bị các điều kiện tổ chức Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025 – 2030, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đã có các ý kiến chỉ đạo các đơn vị đang hoạt động trên địa bàn như:
Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và chủ tịch UBND các huyện, thành phố tiếp tục quán triệt và thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 4152/KH-UBND ngày 25/8/2020 về tăng cường hoạt động phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên địa bàn tỉnh; Công văn số 6323/UBND-NC ngày 8/11/2024 của UBND tỉnh về việc tăng cường phối hợp phòng, chống tội phạm lợi dụng không gian mạng để thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản và các văn bản có liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Tăng cường tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong việc đăng ký, sử dụng thuê bao di động trả trước, dịch vụ Internet, tăng cường tính năng bảo mật các tài khoản mạng xã hội, các tài khoản ngân hàng, không để các đối tượng lợi dụng thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.
Khuyến cáo cán bộ, công chức, viên chức, người dân và doanh nghiệp tăng cường cảnh giác đối với các tin nhắn, thư được gửi từ người lạ qua các ứng dụng OTT hoặc địa chỉ thư điện tử lạ; tuyệt đối không bấm vào các đường link, không tải các file, hình ảnh đính kèm do người lạ gửi qua ứng dụng OTT, thư điện tử hoặc các file nghi ngờ có chứa virus, mã độc, không lưu mật khẩu trên các trình duyệt; hạn chế đăng tải, chia sẻ thông tin cá nhân, tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của bản thân, doanh nghiệp trên các trang mạng xã hội, không kết bạn với người lạ qua Zalo, Facebook, Telegram...
Khi có thông tin liên quan đến hoạt động lừa đảo hoặc xảy ra trường hợp bị các đối tượng cưỡng bức chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, cần kịp thời phản ánh, báo tin cho các cơ quan chức năng để tập trung xác minh, điều tra, xử lý theo quy định.
UBND tỉnh Bình Dương cũng yêu cầu Sở TT&TT tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, đề nghị các doanh nghiệp viễn thông, Internet, các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên hạ tầng mạng không cung cấp dịch vụ có nội dung lừa đảo, nghi vấn lừa đảo hoặc có thể bị lợi dụng để lừa đảo; chỉ đạo các doanh nghiệp thúc đẩy việc kết nối giữa cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao của các doanh nghiệp viễn thông với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về Dân cư để rà soát, đảm bảo thông tin thuê bao được chính xác.
Ngân hàng Nhà nước tỉnh Bình Dương chỉ đạo các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng trên địa bàn quản lý chặt chẽ các hoạt động đăng ký, mở tài khoản, đặc biệt là các tài khoản online, tài khoản ảo, tài khoản không chính chủ; tăng cường cơ chế phối hợp phản ứng nhanh với lực lượng công an, kịp thời trao đổi thông tin liên quan nhằm ngăn chặn tối đa thiệt hại cho người dân; chủ động cảnh báo các giao dịch bất thường (giao dịch lặp lại với tần suất cao trong thời gian ngắn, giao dịch với số tiền lớn vượt ngưỡng quy định…) qua hệ thống ngân hàng và phối hợp với cơ quan công an xác minh kịp thời.
Công an tỉnh Bình Dương chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị chức năng triển khai các biện pháp nghiệp vụ, biện pháp kỹ thuật, tăng cường tấn công, trấn áp tội phạm, đặc biệt là tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, kịp thời phát hiện, triệt phá các đường dây, ổ nhóm mua bán dữ liệu cá nhân, tài khoản ngân hàng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.