Trung Quốc điều tra Google
Hôm 4/2, Trung Quốc cho biết sẽ điều tra Google với cáo buộc vi phạm luật chống độc quyền.
Trung Quốc cáo buộc Google vi phạm luật chống độc quyền. Ảnh: Shutterstock Cơ quan Quản lý thị trường nhà nước Trung Quốc cho biết, sẽ điều tra Google với cáo buộc vi phạm luật chống độc quyền nước này. Tuyên bố được đưa ra sau khi Trung Quốc công bố các khoản thuế quan mới đánh vào một số hàng hóa nhập khẩu Mỹ nhất định.
Nhà chức trách không cung cấp thêm thông tin chi tiết về cuộc điều tra hay Google đã làm gì để vi phạm luật. Các sản phẩm của Google như công cụ tìm kiếm bị chặn tại đây, nhưng hãng vẫn hợp tác với các đối tác địa phương trong nước.
Google đang đối mặt với giám sát ngày một tăng tại vài nước trên thế giới, bao gồm Mỹ. Tháng 8/2024, “ông lớn” tìm kiếm thua vụ kiện do chính phủ Mỹ khởi xướng năm 2020. Mỹ tố công ty độc quyền thị trường tìm kiếm chung bằng cách tạo ra rào cản gia nhập lớn.
Sau phán quyết, Bộ Tư pháp Mỹ đang thúc đẩy để Google thoái vốn khỏi trình duyệt web Chrome. Bộ cũng lập luận Google không nên tham gia các thỏa thuận độc quyền với bên thứ ba như Apple và Samsung.
Ngoài ra, Google cũng đang bị Cơ quan Quản lý Thị trường và Cạnh tranh Anh điều tra theo luật mới ở Anh.
Hàn Quốc cấm DeepSeek
Bộ Công nghiệp Hàn Quốc là cơ quan mới nhất thông báo tạm thời chặn nhân viên truy cập mô hình AI của startup Trung Quốc DeepSeek, do lo ngại vấn đề an ninh.
Chính phủ Hàn Quốc hạn chế sử dụng DeepSeek. Ảnh: Arise News Trước đó, chính phủ Hàn Quốc ngày 5/2 đã yêu cầu các bộ ban ngành cẩn trọng trong việc sử dụng dịch vụ AI, bao gồm cả DeepSeek và ChatGPT tại nơi làm việc.
Doanh nghiệp nhà nước Hydro & Nuclear Power vào đầu tháng này cũng thông báo cấm sử dụng dịch vụ AI trong đó có DeepSeek.
Tương tự, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cũng chặn truy cập trên các máy tính dùng cho mục đích quân sự.
Tờ Yonhap News Agency cho biết, Bộ Ngoại giao nước này giới hạn DeepSeek trên các máy tính kết nối với mạng ngoài, tuy nhiên không nêu chi tiết biện pháp an ninh.
Hàn Quốc là quốc gia mới nhất nêu quan ngại với mô hình AI xuất xứ Trung Quốc. Australia và Đài Loan (Trung Quốc) trước đó cũng nhận định DeepSeek tạo ra các mối đe dọa về an ninh.
Vào tháng 1/2025, cơ quan bảo vệ dữ liệu Italy đã chặn truy cập chatbot sau khi startup Trung Quốc không thể giải quyết lo ngại liên quan chính sách riêng tư.
Tại châu Âu, Mỹ và Ấn Độ, các chính phủ cũng đang xem xét những nguy cơ tiềm ẩn khi sử dụng DeepSeek.
Hé lộ bí mật tạo mô hình AI lý luận siêu rẻ
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Stanford và Washington chỉ mất 50 USD (khoảng 1,2 triệu VNĐ) để tạo ra mô hình AI lý luận.
DeepSeek mở màn cuộc đua phát triển AI giá rẻ. Ảnh: TechCrunch Các bài thử nghiệm lập trình và toán học cho thấy S1 (tên của mô hình) có kết quả tương đương những mô hình AI lý luận tiên tiến nhất hiện nay như o1 của OpenAI và R1 của DeepSeek.
Đáng chú ý, S1 là mô hình mã mở, đang có sẵn trên kho GitHub cho tất cả mọi người có thể truy cập.
Đội ngũ phát triển chia sẻ, họ bắt đầu từ một mô hình cơ bản có sẵn, sau đó tinh chỉnh thông qua “chưng cất” - quá trình trích xuất khả năng “lý luận” từ một mô hình AI khác bằng cách huấn luyện trên các câu trả lời của nó.
Cụ thể, S1 được chưng cất từ mô hình Gemini 2.0 Flash Thinking Experimental của Google. Việc chưng cất diễn ra tương tự như cách những nhà khoa học tại Đại học Berkeley thực hiện để tạo ra mô hình với chi phí khoảng 450 USD (khoảng 11,3 triệu VNĐ).
Bài báo về S1 cho thấy các mô hình lý luận có thể được chưng cất với một bộ dữ liệu khá nhỏ thông qua một quá trình gọi là tinh chỉnh giám sát (SFT), trong đó một mô hình AI được chỉ dẫn rõ ràng để bắt chước một số hành vi nhất định trong bộ dữ liệu.
SFT thường rẻ hơn so với phương pháp học củng cố quy mô lớn mà DeepSeek đã sử dụng để huấn luyện mô hình R1.
S1 dựa trên một mô hình AI nhỏ có sẵn từ phòng thí nghiệm AI Qwen thuộc sở hữu của Alibaba, có thể tải xuống miễn phí. Để huấn luyện S1, các nhà nghiên cứu đã tạo ra một bộ dữ liệu gồm 1.000 câu hỏi được lựa chọn kỹ càng, đi kèm với câu trả lời và quá trình "suy nghĩ" đằng sau mỗi câu trả lời từ Gemini 2.0 Flash Thinking Experimental của Google.
Quá trình huấn luyện này chỉ mất chưa đầy 30 phút với 16 GPU Nvidia H100, nhưng vẫn cho kết quả mạnh mẽ trên một số chỉ số đánh giá AI. Niklas Muennighoff, một nhà nghiên cứu từ Stanford, cho biết chi phí thuê điện toán cần thiết chỉ rơi vào khoảng 20 USD.
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng một mẹo để S1 kiểm tra lại công việc của nó và kéo dài "thời gian suy nghĩ", chẳng hạn họ yêu cầu mô hình chờ đợi bằng việc thêm từ “chờ” vào quá trình lý luận, giúp mô hình đưa ra câu trả lời chính xác hơn.
(Tổng hợp)