Sau 4 năm, chỉ số chuyển đổi số quốc gia tăng gần 51%
“Báo cáo Chỉ số đánh giá chuyển đổi số của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương – DTI cấp bộ, cấp tỉnh năm 2023” vừa được Bộ TT&TT phát hành.
Đây là lần thứ tư liên tiếp Bộ TT&TT, cơ quan thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số tiến hành đánh giá và công bố công khai mức độ chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương trên cả nước.
Báo cáo đánh giá mức độ chuyển đổi số - DTI cấp bộ, cấp tỉnh 2023 là tài liệu hữu ích cho công tác quản lý, hoạch định chính sách, thực thi chuyển đổi số tại các bộ, ngành, địa phương để phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: T.Hương Bên cạnh số liệu báo cáo của các bộ, ngành, địa phương gửi trực tuyến qua hệ thống dti.gov.vn, một nguồn số liệu khác cũng được Bộ TT&TT sử dụng để đánh giá mức độ chuyển đổi số của các bộ, tỉnh năm 2023 là số liệu từ các nền tảng số, hệ thống thông tin của Bộ và một số cơ quan, tổ chức khác.
Thông tin về những điểm nổi bật của kết quả đánh giá DTI 2023, Bộ TT&TT cho hay, so với các năm trước, giá trị DTI 2023 quốc gia có sự tăng trưởng chậm lại do giá trị các chỉ số thành phần đã ở mức cao. Cụ thể, giá trị DTI quốc gia năm 2023 là 0,7326, tăng trưởng 3% so với năm 2022 và tăng trưởng 50,8% so với năm 2020.
Ở từng nhóm đối tượng được đánh giá, giá trị trung bình DTI 2023 là 0,6355 với các bộ cung cấp dịch vụ công; 0,4347 với những bộ không cung cấp dịch vụ công; và đạt 0,6783 với các địa phương.
Bộ TT&TT khuyến nghị, các bộ, ngành, địa phương vẫn cần tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số theo hướng mang lại kết quả thực chất, bền vững. Ảnh minh họa: M.Tuấn Như vậy, so với năm 2022, giá trị DTI của cả 3 nhóm đối tượng đều có sự tăng trưởng, trong đó khối bộ không cung cấp dịch vụ công tăng trưởng nhiều nhất, tăng 34,5%; tiếp đến là khối địa phương, tăng 17,2%; và khối bộ cung cấp dịch vụ công tăng trưởng ít nhất, tăng 13,9%.
Báo cáo DTI 2023 còn chỉ ra rằng, 100% các bộ, tỉnh có giá trị DTI 2023 tăng so với kỳ đánh giá năm 2022. Trong đó, 84 bộ, tỉnh tham gia đánh giá có giá trị DTI 2023 đạt từ mức 0,5 trở lên, chiếm 95,5%; và vẫn còn 4 bộ, tỉnh đạt dưới 0,5.
Về các chỉ số chính của năm 2023, nhận thức số và thể chế số là những chỉ số có giá trị lần lượt cao nhất, thể hiện rằng các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi nhận thức, kiến tạo thể chế để làm tiền đề quan trọng cho quá trình chuyển đổi số, đặc biệt là ở khối tỉnh.
Cũng theo báo cáo DTI 2023, giá trị của chỉ số an toàn thông tin mạng đã có sự tăng trưởng nhiều so với năm 2022. Cụ thể, chỉ số này ở cấp tỉnh đạt 0,6657, tăng trưởng 39,8% so với năm 2022; khối bộ có cung cấp dịch vụ công đạt 0,5653, tăng trưởng 52,7% với năm 2022; khối bộ không cung cấp dịch vụ công đạt 0,3861, tăng trưởng 61,4%. Tuy nhiên, việc bảo đảm an toàn thông tin mạng vẫn cần tiếp tục đẩy mạnh để tạo điều kiện chuyển đổi số các cấp thời gian tới.
Bô TT&TT nhận định: Kết quả đánh giá DTI 2023 phản ánh quá trình chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương đã và đang diễn ra mạnh mẽ, tuy nhiên phần lớn ở mức khá.
"Vì thế, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số theo hướng mang lại kết quả thực chất, bền vững, ưu tiên nguồn lực để đạt được các chỉ tiêu quan trọng thuộc các chương trình, chiến lược quốc gia về phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số", Bộ TT&TT khuyến nghị.
Đà Nẵng, Bộ KH&ĐT, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam xếp vị trí số 1 về chuyển đổi số
Đáng chú ý, trong báo cáo mới phát hành, xếp hạng mức độ chuyển đổi số năm 2023 của các bộ, ngành, địa phương đã chính thức được Bộ TT&TT thông tin.
Xếp hạng DTI 2023 và các chỉ số chính của 17 bộ cung cấp dịch vụ công. Ảnh: Cục Chuyển đổi số quốc gia Ở nhóm 17 bộ, ngành có dịch vụ công, với việc đạt 0,8372 về chỉ số tổng hợp, Bộ KH&ĐT xếp ở vị trí số 1 của bảng xếp hạng. Đây là năm thứ 2 liên tiếp Bộ KH&ĐT dẫn đầu trong bảng xếp hạng chuyển đổi số của các bộ, ngành có cung cấp dịch vụ công.
Bốn vị trí tiếp theo trong bảng xếp hạng DTI 2023 của các bộ, ngành có dịch vụ công lần lượt thuộc về Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ TN&MT, Bộ TT&TT.
Xếp hạng DTI 2023 và các chỉ số chính của 8 bộ không cung cấp dịch vụ công. Ảnh: Cục Chuyển đổi số quốc gia Với nhóm 8 bộ, ngành không có dịch vụ công, 5 vị trí dẫn đầu lần lượt thuộc về Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước, Đài Truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và Ủy ban Dân tộc.
Đối với khối địa phương, điểm DTI 2023 là tổng điểm 98 chỉ số thành phần. Trong số 8 chỉ số chính, nhận thức số có giá trị cao nhất và có tới 15 tỉnh, thành phố đạt điểm tối đa. Thể chế số có giá trị cao thứ hai và có 6 tỉnh, thành phố đạt điểm tối đa. Chỉ số có giá trị thấp nhất là hoạt động Xã hội số 0,4181.
Top 10 tỉnh, thành phố đứng đầu về DTI 2023 gồm: TP Đà Nẵng, TPHCM, Thừa Thiên - Huế, Lạng Sơn, TP Cần Thơ, TP Hà Nội, Bình Dương, TP Hải Phòng, Bắc Giang và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Trong đó, có 7 tỉnh, thành phố duy trì xếp hạng Top 10 từ năm trước; 3 tỉnh, thành phố mới xếp hạng vào top 10 năm 2023 là TP Hà Nội, Bình Dương và TP Hải Phòng. TP Đà Nẵng lần thứ tư liên tiếp xếp vị trí thứ nhất về DTI cấp tỉnh với giá trị đạt được lần này là 0,8340.
Top 10 địa phương dẫn đầu cả nước về mức độ chuyển đổi số cấp tỉnh. Ảnh: Cục Chuyển đổi số quốc gia Về xếp hạng các chỉ số chính, TP Đà Nẵng xếp thứ nhất 5/8 chỉ số chính gồm nhận thức số, thể chế số, nhân lực số, an toàn thông tin mạng và hoạt động chính quyền số.
Báo cáo cũng cho thấy, tỉnh tăng hạng nhiều nhất về DTI 2023 là Cà Mau, tiếp đến là Hà Giang; tỉnh giảm hạng nhiều nhất về DTI 2023 là Vĩnh Phúc. Về xếp hạng 3 trụ cột, TP Đà Nẵng tiếp tục đứng đầu cả về chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.