Dưới nhiệm kỳ mới của Tổng thống Donald Trump, NASA sẽ đối mặt với khả năng xác định lại nhiệm vụ của cơ quan này trong nhiều thập kỷ tới. Các thay đổi chóng vánh có thể tác động tới nhiều khía cạnh khám phá vũ trụ như tương lai chương trình Mặt Trăng Artemis của NASA, tên lửa nào sẽ được ưu tiên hay hoãn phát triển, mức độ kinh phí cho khoa học Trái Đất và khí hậu, theo Space. Những cuộc tranh cãi sẽ diễn ra trong nhiều tháng, năm tới để quyết định phương hướng, quy mô của nhiều chương trình và cơ quan ở Mỹ, với giằng co giữa cắt giảm ngân sách hay tăng cường chi ở một số lĩnh vực chủ chốt.
Tới Mặt Trăng hay sao Hỏa
Một trong những vấn đề lớn với khả năng thay đổi phương hướng hoạt động của NASA cũng như quan hệ của Mỹ với các đối tác quốc tế và địa chính trị là tương lai chương trình Artemis. Artemis được đặt ra trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump với mục tiêu đưa con người quay trở lại Mặt Trăng và tiếp tục dưới thời Tổng thống Biden. Chương trình này đang trễ nhiều năm so với lịch trình, bao quanh bởi nhiều trì hoãn và vấn đề kỹ thuật.
Elon Musk, tỷ phú sở hữu công ty hàng không vũ trụ SpaceX, rất tích cực tham gia chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump và người đồng phụ trách Bộ Hiệu quả Chính phủ mới, cho biết "chúng ta sẽ đi thẳng tới sao Hỏa. Mặt Trăng là một sự xao lãng". Tuy nhiên, với sức ảnh hưởng hiện nay của Musk, việc thay đổi phương hướng của NASA có thể không dễ dàng và quốc hội Mỹ vẫn có tiếng nói trong bất kỳ bước phát triển nào.
"Chính quyền mới của ông Trump có thể bỏ qua Mặt Trăng và tới thẳng sao Hỏa, nhưng tôi dự đoán họ có thể đối mặt với sự phản đối từ Quốc hội tương tự tổng thống Obama khi ông đề xuất điều đó vào năm 2010", Marcia Smith, người có 40 năm kinh nghiệm nghiên cứu chính sách vũ trụ, nhà đồng sáng lập kiêm biên tập viên của trang SpacePolicyOnline, cho biết. "Quốc hội muốn một chương trình từ Mặt Trăng tới sao Hỏa, không phải một trong hai".
Bỏ qua mục tiêu Mặt Trăng cũng sẽ tác động tới địa chính trị. Trung Quốc đang tìm kiếm đối tác cho Trạm nghiên cứu Mặt Trăng quốc tế (ILRS), một chương trình song song nhưng hoàn toàn riêng biệt. Tuy nhiên, một số mặt của Artemis như Gateway tìm cách thiết lập trạm vũ trụ trên quỹ đạo Mặt Trăng như bước đệm để đưa phi hành gia hạ cánh tại đây, có thể trở thành mục tiêu chỉ trích của chính quyền mới do chi phí và nhiều lần trì hoãn. Động thái đó sẽ tác động tới nhiều đối tác quốc tế như Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), Cơ quan Vũ trụ Canada (CSA), Cơ quan khám phá hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA) vốn đang phát triển phần cứng của Gateway.
Hệ thống phóng không gian
Một điều không chắc chắn khác là tương lai của Hệ thống phóng không gian (SLS), siêu tên lửa của NASA có thể thực hiện nhiệm vụ chở người tới Mặt Trăng. SpaceX đang phát triển hệ thống Starship hứa hẹn cung cấp lựa chọn thay thế tái sử dụng. Dù SLS bị chỉ trích do chi phí tăng vọt, nhiều lần trì hoãn và khả năng kiểm soát chất lượng bên phía nhà thầu chính là Boeing, việc ngừng phát triển SLS nhiều khả năng vấp phải sự phản đối.
Musk cũng chia sẻ theo quan điểm của ông, chương trình Artemis cực kỳ kém hiệu quả. "Chính quyền mới có thể tìm cách ngừng phát triển SLS, nhưng tên lửa này nhận được nhiều ủng hộ từ Quốc hội, từng quyết định tạo ra SLS trong Đạo luật Ủy quyền NASA năm 2010", Smith giải thích. "Tôi thực sự hoài nghi khả năng hủy bỏ toàn bộ dự án SLS, nhưng sẽ không bất ngờ nếu phiên bản Block 1B lớn và mạnh hơn có thể bị cắt giảm để ưu tiên lựa chọn thương mại".
Giám đốc mới của NASA
Tổng thống Donald Trump đề cử tỷ phú công nghệ Jared Isaacman dẫn dắt NASA. Isaacman từng tham gia hai chuyến bay thương mại sử dụng tên lửa Falcon 9 và tàu vũ trụ Dragon của SpaceX, đồng thời tổ chức, trả kinh phí và chỉ huy cả hai nhiệm vụ. Isaacman sẽ cần được đề cử chính thức và sau đó thông qua bởi Thượng viện Mỹ. Theo Smith, việc đề cử nhận được sự ủng hộ từ Đảng Cộng hòa. Dù phụ thuộc vào quyết định của Quốc hội, Isaacman sẽ mang theo những quan điểm và ưu tiên riêng tới NASA nếu được chọn.
Khoa học Trái Đất và khí hậu
Những tranh cãi tương tự sẽ diễn ra về mặt khoa học Trái Đất và khí hậu, nhiều khả năng chính quyền Trump sẽ muốn cắt giảm kinh phí dành cho các hoạt động này, nhưng cũng đối mặt với ngăn cản từ Quốc hội. Nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump tìm cách giảm mạnh chi phí cho nhiều chương trình khoa học Trái Đất của NASA, nhưng Quốc hội bác bỏ việc cắt giảm mỗi năm.
"Rất khó xác định Quốc hội sẽ đi xa tới đâu lần này để cứu những chương trình đó của NASA, nhưng cuộc chiến lớn hơn rất có thể là với NOAA (Cục quản lý đại dương và khí quyển quốc gia Mỹ", Smith nói. NOAA tiến hành các nghiên cứu liên quan tới thời tiết, khí hậu và nhiều lĩnh vực khác.
Sự quay lại của ông Trump hứa hẹn mở ra thời kỳ rối ren và chuyển mình của NASA cũng như ngành vũ trụ rộng hơn ở Mỹ. Quyết định trong những tháng tới sẽ làm rung chuyển chính sách vũ trụ của Mỹ.
An Khang (Theo Space)